Triển lãm “Đồng hành” - cuộc hội ngộ của 8 họa sĩ đất Cảng

Triển lãm “Đồng hành” - cuộc hội ngộ của 8 họa sĩ đất Cảng

Bởi Hà Trang 14/11/2023

Triển lãm “Đồng hành”, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của 8 họa sĩ Hải Phòng đã khai mạc tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội).

TTXVN - Tối 3/11, triển lãm tranh “Đồng hành”, trưng bày các tác phẩm của 8 họa sĩ Hải Phòng đã khai mạc tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội).

8 họa sĩ tham gia triển lãm lần này gồm: Đỗ Tuấn Thành, Nguyễn Viết Thắng, Phạm Hoàng Hà, Bùi Anh Hào, Đoàn Đức Hùng, Xuân Diệu, Phạm Anh Tuấn, Đặng Tiến.

Tác phẩm tranh lụa 'Ca trù' của Phạm Xuân Diệu.

Giám tuyển Vân Vi cho biết, khi dự định tổ chức một triển lãm của những họa sĩ Hải Phòng, chị đã cố gắng cảm nhận về một vùng địa lý qua nghệ thuật của một số họa sĩ sinh ra, lớn lên và đang hoạt động sáng tác tại đây. Tác động của quang cảnh sống, văn hóa vùng miền ít nhiều ảnh hưởng tới sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân, tạo ra những hình ảnh thân thuộc.

“Chúng tôi nhìn thấy điều này qua các triển lãm trước đây khi họ vẽ về phong cảnh hiện thực: bình yên, lãng mạn, lý tưởng hóa, đẹp và buồn. Tuy nhiên, khi một số tác giả nỗ lực đào sâu hơn biểu hiện cá nhân, nghệ thuật của họ trở nên phong phú, phản ảnh và làm mới tinh thần của nơi chốn”, giám tuyển Vân Vi chia sẻ.

Tác phẩm 'Bên bờ ao' của hoạ sĩ Phạm Hoàng Hà.

Họa sĩ Đoàn Đức Hùng sáng tạo các tác phẩm theo lối biểu hiện với các đường nét và mảng màu thể hiện xúc cảm mãnh liệt, phóng khoáng và thoải mái. Anh tự nhận mình là người giao tiếp kém, không biết nói chuyện, cũng không thể dùng lời rành mạch nói cho hết những suy nghĩ hay cảm nhận của mình, anh giao lưu với người khác bằng cách vẽ.

Với họa sỹ Xuân Diệu, tranh lụa đang là cảm hứng sáng tác của anh. Tác phẩm “Ca trù” là bộ tranh lụa mà họa sĩ đã ấp ủ sau một buổi tối đi xem ca trù tại Đình An Biên (Hải Phòng). Anh muốn vẽ một góc nhìn ca trù khác nên đã sử dụng họa tiết dân gian cổ của thế kỷ XVII- XVIII, thời kỳ mà ca trù ra đời để tạo một âm hưởng cổ kính.

Tranh của họa sĩ Phạm Anh Tuấn kiệm màu, nhẹ nhàng, mang đến sự rung động khe khẽ đối lập với sự tĩnh tại của những mảng trống lớn. Anh ưa thích sự đối lập bởi chính sự đối lập lại làm rõ giá trị của điều còn lại.

Hoạ sỹ Đỗ Tuấn Thành với những bức tranh chân dung và tĩnh vật mang nhiều nét tương đồng trong cảm xúc, bút pháp biểu hiện. Anh chọn những chủ đề nhẹ nhàng, nhưng màu sắc và biểu hiện của anh lại thể hiện những cảm xúc dồn nén mạnh mẽ.

Nhà điêu khắc - họa sĩ Nguyễn Viết Thắng luôn tâm niệm “nghệ thuật là tự thân, áp đặt ít nhất có thể cái của mình vào nó”, vì thế, anh thường tận dụng những vật làm sẵn. Nhiều điêu khắc gốm của anh thường mang tính sắp đặt - lắp ghép như trò chơi của trẻ con với ý thức tối giản...

Họa sĩ Phạm Hoàng Hà đang say sưa khám phá và tìm cảm hứng từ giấy dó, bột màu bởi chất liệu hội họa này cho anh cảm giác ào ạt, loang tự nhiên - cùng với chất màu bột xốp, tươi và đẹp sau khi khô.

Họa sĩ Bùi Anh Hào vẽ nhiều phong cảnh sơn dầu về vùng đồi núi hoang vắng. Tranh của anh dùng nhiều mảng miếng, ít nét và kiệm màu...

Họa sĩ Đặng Tiến vẽ nhiều tranh phong cảnh, tĩnh vật và người. Một điểm chung ở tranh Đặng Tiến là người xem không khó để nhận thấy cái chất mỹ cảm khá riêng và tinh tế, xuyên suốt các sáng tác.

Triển lãm tranh “Đồng hành” mở cửa đón khách đến hết ngày 3/12/2023

nguồn: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/trien-lam-dong-hanh-cuoc-hoi-ngo-cua-8-hoa-sy-dat-cang/29163.html

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư