Thực hiện bởi Vân Vi
Bản quyền nội dung thuộc The Muse Artspace.
Lý Trực Sơn – người thành lập nhóm “Sơn ta” có sự tham gia và ủng hộ của hầu hết các họa sỹ theo đuổi sơn mài chuyên nghiệp tại miền Bắc. Họa sỹ có ảnh hưởng lớn tới Nghệ thuật sơn mài Việt Nam đương thời.
“Người ta nói rằng tôi vẽ rất tự do nhưng tôi thực ra tôi làm việc trong một kỷ luật thép. Mỗi bức tôi đều vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ đi vẽ lại nhiều lần, thậm chí trên chính nó. Để tạo ra được một hiệu quả nghệ thuật mà mình mong muốn, có lẽ tôi đã vô cùng nỗ lực, có lẽ đối với tôi nó khó hơn là công phu. Tôi luôn biết rằng mình chưa đi được đến nơi mình mong muốn, nhưng nơi tôi mong muốn luôn ở phía trước tôi…” – Lý Trực Sơn.
1949 Họa sỹ Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại Huế. Thân sinh đều là người Huế. Cha ông đưa gia đình ra Hà Nội, để công tác tại Viện văn học Hà Nội, nhưng mất sớm từ năm ông lên 11 tuổi. Mẹ ông sinh ra trong gia đình khá giả và truyền thống, nên là người sống mực thước. Nhà Lý Trực Sơn có 2 anh em trai. Người còn lại là Lý Trực Dũng - một kiến trúc sư, và đồng cũng là một họa sỹ theo đuổi biếm họa và lụa.
1961 Từ nhỏ họa sỹ Lý Trực Sơn đã có duyên với nghệ thuật. Năm 1961, gia đình ông lưu lạc vào Vĩnh Linh- một vùng giới tuyến giữa hai miền Nam bắc. Hồi đó có đoàn họa sỹ gồm các họa sỹ như Giáng Hương, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Thụ, Lê Thiệp… mở kỳ thi vẽ, để tìm kiếm người có năng khiếu. Một họa sỹ gần nhà khuyên Lý Trực Sơn đi thi, và ông tình cờ đỗ. Ông Sơn sau này kể chuyện cơ duyên theo mỹ thuật, ông không cảm thấy mình có năng khiếu tự nhiên mà luôn cần có cơ sở nghiên cứu và nghiền ngẫm. Lý Trực Sơn là người ham đọc, mong muốn sống theo lý tưởng, tự nhận rằng mình đi theo con đường chính đạo.
1961-1965 Chưa tròn 12 tuổi Lý Trực Sơn đã bắt đầu tham gia học vẽ tại trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam. Trường lúc ấy có 3 hệ từ sơ cấp, trung cấp lên và đại học; cho phép những thiếu nhi có năng khiếu được bắt đầu theo con đường chuyên nghiệp từ rất sớm. Những người giáo viên đầu tiên hướng dẫn là họa sỹ Giáng Hương, Hoàng Đạo Khánh, Đinh Trọng Khang và thầy dạy cảm thụ âm nhạc cổ điển là Nguyễn Văn Quỳ. Người gieo cho ông những cảm hứng sâu xắc về hội họa là họa sỹ Đinh Trọng Khang- một học trò ruột của Trần Văn Cẩn.
Lý Trực Sơn học cùng lớp với Nguyễn Thành Chương, Lò An Quang, Đoàn Văn Nguyên, Đào Minh Tri, Hoàng Đức Toàn. Thành Chương là người bạn thân thiết với Lý Trực Sơn, cũng là người sớm am hiểu về nghệ thuật tạo hình, gần gũi với những họa sỹ sau này trở thành gạo cội của nước nhà như Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Hải, Lê Trọng Lân. Hai người đã cùng nhau chia sẻ niềm yêu thích nghệ thuật, và được tiếp xúc với những vấn đề liên quan đến hội họa vượt qua sự hiểu biết của những đứa trẻ học sơ cấp rất nhiều.
Năm 14 tuổi khả năng vẽ hình họa hàn lâm của Lý Trực Sơn đã được họa sỹ Lê Thiệp đánh giá rất cao. Họa sỹ Lê Thiệp có nhận xét rằng: “Bài của Sơn không nằm trong trình độ của lớp này”.
1969 Năm tốt nghiệp hệ Trung cấp, bài thi của Lý Trực Sơn là một bài gây tranh cãi trong hội đồng, nhưng cuối cùng bài thi đã được đánh giá cao đến mức ông Trần Đình Thọ lúc đấy là hiệu trưởng trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam đã quyết định đưa Sơn vào trở thành giáo viên dạy chính thức trong trường vào năm ông tròn 20 tuổi.
1971 Lý Trực Sơn vào hệ đại học, trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, nhiều người bạn của ông đã hy sinh trên chiến trường, Lý Trực Sơn cảm thấy không chịu nổi, đã xung phong đi bộ đội. Thời gian này ông hoàn toàn tập trung sống như một người lính.
1976 Lý Trực Sơn quay trở lại trường mỹ thuật. Lúc ấy Trần Đình Thọ là hiệu trưởng, hội đồng trường cho phép ông học vượt cấp. Lý Trực Sơn đã chọn vào thẳng năm thứ 3, và trợ giảng một số bộ môn trong trường. Sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục giảng dạy tại trường trong khoảng 10 năm. Học trò trực tiếp của ông là các họa sỹ như Nguyễn Quang Trung, Trần Tuấn, Nguyễn trọng Vũ, Tân Gái, Lê Văn Sửu.
1979 Lý Trực Sơn lấy Nguyễn Thị Quế cũng là một họa sỹ trong trường. Bà Quế học hơn ông Sơn vài lớp.
1989 Lý Trực Sơn sang Pháp theo học bổng của trường Ecole Superior Des Beaux Arts, được tài trợ bởi tổ chức CCFD. Thời gian ở Pháp Lý Trực Sơn hầu như không tham gia học, ngoài việc học các cách tiếp cận nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật Tiền Phục Hưng. Ông cho rằng mình đã là họa sỹ rồi, không cần phải học như một người học trò nữa. Ông chọn tìm hiểu tại sao nghệ thuật châu Âu có thể phát triển được như thế. Ông kể lại thời gian này, ông vất vả soi sét lại năng lực và con đường nghệ thuật của bản thân, với mong muốn làm điều thực sự khác biệt. Ông tự đòi hỏi mình chuyển hướng: tiếp thu quan niệm mới, chỉnh sửa quan niệm cũ, từ bỏ tất cả những gì mình đã làm được trong thời gian trước đó.
1992 Lý Trực Sơn sang Berlin. Ông kiếm sống bằng nghề vẽ chân dung, tiết kiệm tiền để mua họa phẩm, để có thể tiếp tục sáng tác tại xưởng. Một số họa sỹ, làm việc cho Đảng Xanh tại Đức mong muốn triển lãm cho Lý Trực Sơn. Họ đã mang trường hợp của ông gửi lên tòa thị chính, nhưng thời ấy giấy tờ khó khăn đã tạo ra một sự một sự lỡ làng lớn trong sự nghiệp hội họa của ông Sơn.
1995 Lý Trực Sơn quay về Pháp. Thời kỳ này ông gặp những người bạn quan trọng, chia sẻ góc nhìn về nghệ thuật, giúp cho ông khám phá ra con đường của bản thân mình, trong đó có thể kể đến Ea Sola, Roland Topor, Phạm Tăng. Ông cũng giao lưu với các nghệ sỹ gốc Việt hoạt động tại Pháp như Đàm Quang Minh, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiên Đạo và cùng nhau tham gia các triển lãm tại Pháp như Triển lãm nghệ thuật 5 châu.
Đặc biệt thời gian này, Lý Trực Sơn tham gia triển lãm những bức tranh vẽ bằng nước chè tại thành phố Lyon và đạt được những thành công vang dội. Tại cuộc họp báo của triển lãm này, một số nhà báo đã viết rằng “ông có khả năng vẽ một cách tự nhiên theo một cách mà không ai theo được”.
Thời gian sống tại châu Âu, Lý Trực Sơn biết rằng ông sang đây không phải để học tại trường mỹ thuật, mà đi tìm manh mối nghệ thuật cho bản thân, khi đặt mình vào đời sống văn hóa Pháp. Ông cũng bày tỏ nhiều suy tư về một họa sỹ trừu tượng Pháp là Antoni Tàpies.
1998 Lý Trực Sơn về Việt Nam. Ông thấy rằng cái mà Đông Dương làm mà chưa đủ, đương thời hình như đang sai lệch… nên đã tự đặt ra nhiệm vụ cho mình là tiếp nối thời kỳ Đông Dương theo một cách khác, ít giới hạn hơn, gần với thế giới hơn. Quay trở về Việt Nam, ông dành 11 năm tiếp theo của cuộc đời mình để sáng tác một loạt tác phẩm sơn mài và màu tự nhiên giấy dó mang tính chất này.
2009 Triển lãm sơn mài “Chốn này” là triển lãm cá nhân của Lý Trực Sơn. Ông nói “Đây là xứ sở của tôi. Tôi muốn nói về cái xứ sở này, cái Đông Phương này, mà không mượn các chi tiết thơ mộng của Đông Dương”.
2011 Triển lãm các tác phẩm “Ballad biển đông” và “Không vô can” của Lý Trực Sơn và điêu khắc gia Đào Châu Hải. Triển lãm này đánh dấu con đường của cả hai nghệ sỹ. Ông Sơn kể rằng sau triển lãm này mình cạn kiệt, và lại bắt đầu một hành trình đi tìm kiếm cái mới.
2013 Ông Sơn chuyển hẳn sang vẽ sơn mài trừu tượng. Ông mong muốn thoát ra khỏi quan niệm cũ về sơn mài, từ chối vàng bạc, từ chối các tone màu cổ điển, từ chối những lợi thế “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” của sơn mài. Ông nghiên cứu sâu đậm về tông xanh, nên chúng ta có thể thấy tông màu này trên nhiều tác phẩm của ông. Tranh Lý Trực Sơn thời kỳ này sử dụng các biểu tượng ký hiệu, và những đường hình mà ông đã nghiên cứu rất sâu trong quá trình nghiên cứu gốm cổ Lý Trần.
Có thể nói sơn mài của Lý Trực Sơn lấy cơ sở từ gốm Lý Trần và giấy dó lấy tinh thần và nét vẽ trên gốm, nhưng hoàn toàn theo xu hướng hiện đại.
2014 Lý Trực Sơn nghiên cứu chất liệu tự nhiên làm các màu tranh đất đá gạch… liên quan các chất liệu tự nhiên, phối hợp nhiều chất liệu.
2023 Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” tại viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam cùng 9 họa sỹ đang theo đuổi sơn mài đương thời, do Vân Vi làm giám tuyển và The Muse Artspace tổ chức.
Tranh của họa sỹ Lý Trực Sơn trong "Dạo bước qua vùng đất của sơn mài"
Những bức tranh "Nude" của họa sỹ Lý Trực Sơn trưng bày trong “Dạo bước qua vùng đất của Sơn mài” lần này sáng tác trong giai đoạn từ 2000- 2019. Francis phó chủ tịch hiệp hội giáo viên mỹ thuật Pháp có nhận xét “Đây là nghệ thuật cô đọng”.
Ba bức tranh là một gạch nối giữa giai đoạn sáng tác hiện thực và trừu tượng của họa sỹ Lý Trực Sơn. Ông nói rằng mình có nỗi ám ảnh trong tranh về phụ nữ: “tôi thành kính đối với thế giới của những người nữ trong tranh mà tôi vẽ. Tôi có cảm giác về Đức mẹ hay Phật Bà Quan Âm trong tất cả những bức tranh mà tôi vẽ phụ nữ. Cuộc sống cá nhân tự do của tôi hoàn toàn khác, nhưng việc vẽ tranh đối với tôi là thành kính”.
Ba bức tranh này đều lấy cảm xúc từ thơ ca Pháp, từ trong một câu thơ của Guillaume Apollinaire “Dải ngân hà là em của ánh sáng”. Ông thực hiện rất nhiều phác thảo trước đó để tìm hình, và khai thác các kỹ thuật sơn mài phù hợp với ý đồ của riêng mình.