Họa sĩ Lý Trực Sơn: Người tự... đày ải (Phần 1)

Họa sĩ Lý Trực Sơn: Người tự... đày ải (Phần 1)

Bởi Hà Trang 25/07/2023

Đã 63 tuổi nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, ăn sáng xong là ông tay xách nách mang cơm đùm, cơm nắm cho bữa trưa rồi phi xe sang xưởng vẽ cách nhà gần 30 cây số ở Gia Lâm, Hà Nội. Đến nơi là ông đầu trần, quần đùi, áo may ô miệt mài cuốc đất, trồng cây, chặt cành, phơi khô, đun nấu các loại cây cỏ trong vườn để pha chế màu rồi thể nghiệm ý tưởng của mình trên giấy dó.

Trong tiết trời nắng như đổ lửa, trong căn nhà cấp bốn oi bức, ông tự "tra tấn" mình: không quạt điện, không bàn ghế, không giường chiếu, chỉ có một khoảng trống ở thềm và giữa nhà để ngồi vẽ trong âm điệu du dương của tiếng nhạc phát ra từ đầu CD, thứ duy nhất ở chốn này được coi là hiện diện của đời sống hiện đại.

Thưa họa sĩ Lý Trực Sơn, ông được biết đến với tư cách là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài có đẳng cấp, nhưng gần đây, ông đã tạm gác chất liệu này sang một bên để quay trở lại với giấy dó truyền thống và tìm hiểu một lối vẽ mới, đó là thay thế màu công nghiệp bằng những màu sắc do ông tự chế từ cỏ cây, hoa lá. Điều gì khiến ông có sự thay đổi căn bản này?

Thực ra, sử dụng màu tự nhiên không phải là điều hiếm hoi trong mỹ thuật. Thậm chí, các màu tự nhiên ấy đã tạo ra được những màu sắc đẹp, chẳng hạn như màu đỏ, màu đen, màu chàm… Bà con thuộc dân tộc ít người là một ví dụ rất điển hình về sử dụng màu sắc, các hoa văn trên váy áo. Hồi ở Pháp, tôi sống nhờ ở nhà một nữ họa sĩ, thuộc lớp đàn chị. Một hôm, rỗi việc, chả biết làm gì, tôi lấy những gói chè Lipton của chị đã để rất lâu không dùng đến, ngâm vào nước sôi, thấy nó cho một màu nâu đen rất đẹp. Tôi bèn lấy nước chè cô đặc ấy vẽ thử lên giấy dó và phơi khô, để một thời gian thì thấy nó giữ màu rất lâu. Tôi bèn nghĩ, tại sao mình không dùng chất liệu thiên nhiên để làm màu vẽ nhỉ! Và hiện nay, trong gần hai năm tự mày mò, nghiên cứu, tôi đã bắt đầu tìm được những màu, chất liệu cơ bản phục vụ cho các tác phẩm của mình.

Họa sĩ Lý Trực Sơn bên tác phẩm tranh sơn mài của mình.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những chất liệu thiên nhiên ông đã tìm được và khả năng ứng dụng của nó vào các tác phẩm hội họa?

Tôi may mắn được đi khắp mọi vùng miền đất nước, đặc biệt là các vùng dân tộc ít người, bản thân người ở đó họ cũng thường sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để nhuộm vải nên tôi có dịp quan sát. Tôi cũng đến những vùng làm quạt giấy truyền thống, cách người ta nhuộm màu phết lên những chiếc quạt giấy cũng là một điều đáng học hỏi. Đi đến nhiều vùng, thấy cây gì lạ, cảm thấy có thể giữ được màu sắc tôi đều xin về trồng. Có lần, trong chuyến đi chơi Tây Bắc đầu năm, tôi nghĩ đến củ nâu, loại củ mà xa xưa ông cha ta vẫn thường dùng. Tôi hỏi mua thì người ta trả lời không có, vì đầu năm chưa kịp đi đào. Chợt một bà già bảo: "Anh có mua nhiều không để về đào, sáng mai sẽ có!".

Tôi đồng ý mua và bà ấy đào cho tôi chừng năm chục cân, mua giá rất rẻ. Về giã ra nấu lên, hóa ra củ nâu cho màu rất đẹp. Khi vẽ cạnh các màu khác thì sự tương phản lại rất hiệu quả. Củ cây nghệ đen cũng là một trong những củ có màu vàng rất đẹp, hay cây ngải cứu phơi khô, đun lên cô đặc cũng cho màu rất bền. Tôi cũng thích màu xanh dương đậm của hoa đậu biếc. Hoa đậu biếc phơi khô, đun lên sẽ giữ màu xanh rất đẹp…

Mỗi lần tìm được một loại cây, loại hoa để thử nghiệm, tôi đều xin giống về trồng trên vườn nhà mình. Bây giờ, sau một năm lao động như một người nông dân thực sự, tôi đã có thể tự pha chế để có những màu sắc mà mình cần. Tôi rút ra kinh nghiệm: Có những loại cây, loại hoa đun lên thì giữ được màu, nhưng có những loại thì để sống, giã và phơi nắng cho bốc hơi nước bớt thì màu lại cực bền. Tất nhiên, để vẽ được bằng màu thiên nhiên đôi khi phải tin vào linh cảm và bàn tay của chính mình. Vì không như các màu vẽ thông thường khác, loại màu tự pha chế khi phết lên giấy dó ban đầu sẽ cho ra một bức tranh... trong veo. Màu xanh chạm với tím sẽ cho ra một màu hoàn toàn khác mà người họa sĩ không thể tưởng tượng được. Riêng loại lá cẩm của người Tày mang lại nhiều bất ngờ với tôi khi pha màu. Ban đầu tôi chủ yếu dùng lá cẩm để tạo màu tím khi tình cờ nhìn thấy món xôi tím truyền thống của họ. Một lần tôi đun lá cẩm với nước và để quên mấy ngày. Hậu quả của cái việc để quên đó là lá cẩm ngâm lại tạo ra màu đen rất đẹp mà tôi pha chế mãi chưa thành. Với tôi, đó là điều thú vị.

Xem thêm phần 2 tại đây

 

Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Hoa-si-Ly-Truc-Son-Nguoi-tu-day-ai-i329871/

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư