SoHo (Phía nam Houston) nằm ở Manhattan là nơi có quang cảnh nghệ thuật rất sôi động bắt đầu từ những năm 1960. Các nghệ sĩ đã sống và làm việc trong những căn gác xép rộng lớn, tràn ngập ánh sáng bên trên nhiều phòng tranh đóng vai trò then chốt của khu vực này. Một trong những địa chỉ đầu tiên là Phòng trưng bày Park Place, 112 Phố Greene, Phòng trưng bày Paula Cooper, OK Harris và sau đó là tòa nhà 420 West Broadway Leo Castelli, Andre Emmerich và Ileana Sonnabend. Một số nghệ sĩ đáng chú ý từng sống và làm việc ở SoHo bao gồm: Adolph Gottlieb, Al Held, Eva Hesse, Jean-Michel Basquiat, Donald Judd, Nam June Paik, Chuck Close, Neal Jenny, Deborah Remington và rất nhiều người khác.
Hoạ sĩ: Thornton Willis - Joan Thorne - Dean Fleming
Thornton Willis, Joan Thorne và Dean Fleming đã sống và làm việc ở SoHo trong thời kỳ đầu và giai đoạn bùng nổ từ giữa những năm 1960 trở đi. Willis, người chuyển đến SoHo vào năm 1967 vốn đã biết Fleming từ trước. Thorne thì lại biết vợ Willis là Vered Lieb. Willis và Thorne là những cư dân đầu tiên tại SoHo đã luôn tạo ra những tác phẩm mới và sống trong căn gác xép thuở đầu của họ cho đến ngày nay.
Fleming là một thành viên sáng lập của hội nghệ sĩ Park Place, chuyển đến SoHo vào năm 1965 khi Phòng trưng bày Park Place mở rộng và chuyển đến một không gian rộng lớn tại 542 West Broadway gần Houston. Còn địa điểm ban đầu (chợ đầu mối rau quả Washington) đã trở thành địa điểm cho Thế giới Trung Tâm Thương Mại ngày nay. Vào những năm 1960, Fleming và vợ là Linda cũng từng thành lập Libre, một cộng đồng hoạ sĩ ở Rocky Mountains. Ông duy trì các xưởng vẽ ở New York và tiếp tục tổ chức triển lãm tranh tại SoHo cho đến những năm 1980. New York và sự sôi nổi của cộng đồng hoạ sĩ ở SoHo đã có tác động sâu sắc đến Fleming và tác phẩm của ông ấy. Quy trình và cách tiếp cận hội họa, hình ảnh của Fleming được truyền cảm hứng rất nhiều từ những chuyến đi trải nghiệm của ông ở Bắc Phi, Địa Trung Hải, Nhật Bản, Mexico, Guatemala, Trung Mỹ, Panama và Tây Hoa Kỳ, đặc biệt là trong những năm 1970 và 1980.
Sự nghiệp của Willis, Thorne và Fleming có sự tương đồng vào những thời điểm khác nhau từ cuối những năm 1960 đến những năm 1980 tại SoHo. Do đó, triển lãm tập trung vào giai đoạn này và quan trọng hơn là tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ này có tính thẩm mỹ, sự tỉ mỉ đan xen trong quy trình sáng tạo tác phẩm của họ. Những bức tranh do Willis và Thorne trình bày đều được sáng tác tại xưởng của họ ở SoHo. Fleming dù không phải là cư dân lâu dài tại SoHo cũng như New York, như đã viết ở trên, nhưng ông là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ đầu vẫn gắn bó với SoHo cho đến khi quyết định chuyển hẳn tới Libre ở Colorado vào những năm 1980. Ngoài tình bạn và vị trí địa lý của các xưởng vẽ với nơi ở tương ứng của họ, có những điểm tương đồng về mặt thẩm mỹ giữa những bức tranh của các hoạ sĩ này thứ phản ánh nhịp cảm xúc của SoHo và địa điểm sáng tác nghệ thuật ở Lower Manhattan.
Trong thời kỳ này, Văn hoá Đại chúng, Chủ nghĩa tối giản và Chủ nghĩa khái niệm chiếm ưu thế trong nền nghệ thuật New York sau Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và là thời điểm mà mọi người nghĩ rằng hội họa đã chết. Tuy nhiên, Willis, Thorne và Fleming vẫn tiếp tục vẽ và không ngừng khai thác những yếu tố trừu tượng. Tranh trừu tượng của họ không khách quan, nhưng có tính tham chiếu và sự ảnh hưởng riêng của mỗi hoạ sĩ thể hiện trong đó. Chẳng hạn, việc Willis sử dụng hình học và bố cục có cấu trúc xuất phát từ sở thích và nghiên cứu ban đầu của ông về Kiến trúc. Ông đã và vẫn khắt khe trong các bố cục và hình dạng hình học của mình, ngoại trừ với việc sử dụng bột màu, vì đây là việc mà ông muốn để quy trình được bộc lộ đầy đủ một cách tự nhiên nhất. Những chuyến du lịch quốc tế, ký ức và giấc mơ của Thorne cũng truyền cảm hứng đến công việc sáng tác và khả năng cảm nhận âm thanh dưới dạng màu sắc của họa sĩ. Các bức tranh của bà có mối quan hệ rõ ràng giữa hình thể và bề mặt gợi lên phong cảnh, kiến trúc và cấu trúc từ những chuyến du lịch đó. Chúng tràn đầy năng lượng, với những nét cọ táo bạo, màu đậm, hình khối nổi và chiều sâu hư ảo mang đến những trải nghiệm siêu thực. Về Fleming, ông được biết đến nhiều nhất vào những năm 1960 với tư cách là một họa sĩ tài ba khám phá sự phức tạp của không gian và hình dung chiều thứ tư trong mặt phẳng hình ảnh hai chiều. Ông đã có một sự thay đổi lớn trong thực hành hội họa của mình sau chuyến đi đến Nhật Bản. Được truyền cảm hứng từ thư pháp và trong những chuyến du hành quốc tế sau này, nơi ông sống và làm việc đa dạng với người dân bản địa, các nền văn hóa, tín ngưỡng, nghi lễ và hình tượng đã ảnh hưởng rất nhiều tới quy trình và cách thức sáng tác của ông.
Có một số yếu tố chung trong cách thức và thẩm mỹ giữa ba họa sĩ này. Đầu tiên và nổi bật nhất là màu sắc. Mỗi người có một cảm giác trực quan về màu sắc và có xu hướng sử dụng các màu tương phản mạnh nhất có thể. Các màu thường được xếp lớp tận dụng độ trong suốt và độ mờ để cung cấp nhiều sắc độ và giá trị. Yếu tố đáng chú ý thứ hai là các họa sĩ rất yêu thích sự chuyển động trong tranh, sắc tố và chất liệu với những nét cọ hướng mắt người xem xuyên suốt những tác phẩm. Nét cọ dày và đậm có thể sờ thấy được là kết quả từ cách tiếp cận vật lý trực tiếp của mỗi hoạ sĩ. Điểm chung thứ ba trong thực hành của họ là việc sử dụng hình học. Nguồn cảm hứng và hình dạng cụ thể khác nhau giữa các hoạ sĩ. Cả Willis và Thorne đều đề cập đến kiến trúc. Tuy nhiên, các motif tạo hình của Willis thường thấy là những hình viên gạch, lưới mắt cáo hay những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp nơi ở New York là nguồn cảm hứng cho loạt ảnh Cityscapes and Step của ông. Cảm hứng của Thorne đến từ các chuyến du lịch và giấc mơ của bà. Hình dạng hình học của Fleming cũng đến từ những chuyến phiêu du của ông, nhưng cụ thể hơn là biểu tượng và dấu hiệu của các dân tộc bản địa khác nhau đề cập đến niềm tin tâm linh của họ về cuộc sống, thế giới bên kia, thế giới tự nhiên và mối liên hệ giữa con người và trái đất. Điểm cuối cùng này nhấn mạnh mối liên kết chung giữa những chất liệu của Fleming, suy nghĩ của Thorne về cơ chế của các nguyên tử và phân tử, sự biến đổi giữa các hình dạng của chúng, tạo ra dòng năng lượng cho sự cân bằng trong vũ trụ. Ở đó, mỗi tác phẩm của ba họa sĩ đều chiêm nghiệm về siêu hình, nền tảng cấu trúc và một nguồn năng lượng tinh thần dồi dào.
Xem thêm phần 2 tại đây
Xem thêm phần 3 tại đây
Xem thêm phần 4 tại đây
Biên dịch: Vũ
Biên tập: Huyền
Nguồn: It Happened In SoHo, Paintings from Late 1960s through the 80s at David Richard Gallery