TIỂU SỬ HỌA SỸ NGUYỄN THỊ QUẾ

TIỂU SỬ HỌA SỸ NGUYỄN THỊ QUẾ

Bởi Hà Trang 13/08/2023

Thực hiện bởi Vân Vi

Bản quyền thuộc Công ty cổ phần nghệ thuật The Muse

Họa sỹ Nguyễn Thị Quế có 50 năm theo đuổi sáng tác trên chất liệu sơn mài, dù có những lúc bổn phận của người phụ nữ trong gia đình và bối cảnh kinh tế khó khăn khiến chị phải dừng lại. Các bức tranh của chị chủ yếu sáng tác trong hai chủ đề: cuộc sống của người dân tộc thiểu số, và tĩnh vật. 

1952 Họa sỹ Nguyễn Thị Quế sinh năm 1952. Chị bắt đầu học mỹ thuật ngay từ hồi còn nhỏ, kéo dài từ hệ sơ trung cấp của trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam cho đến Đại học mỹ thuật Việt Nam, 12 năm theo học mỹ thuật trước khi trở thành họa sỹ.  

1972 Nguyễn Thị Quế đã chọn cho mình chất liệu sơn mài. Như vậy đến năm 2023 chị có đã thời gian 50 năm theo đuổi chất liệu sơn mài, dù có những lúc bổn phận của người phụ nữ trong gia đình và bối cảnh kinh tế khó khăn khiến chị phải dừng lại. 

1978- 1982 Nguyễn Thị Quế là giáo viên mỹ thuật, trường nghệ thuật Tây Bắc, phố Chăm, tỉnh Hòa Bình. Đó là thời kỳ chiến tranh Việt – Trung, kinh tế nước ta vô cùng gian khổ. Tại các tỉnh như Hòa Bình, cuộc sống càng túng thiếu, buồn tẻ, giáo viên mỹ thuật đi từ Hà Nội, phải đi từ sáng tới chiều mới tới nơi. Theo chị Quế, chính những cái khổ này lại khiến thầy trò trường mỹ thuật gần gũi với nhau nhiều hơn, chị kể rằng mình đã sống trong một môi trường nhiều tình cảm. Họa sỹ Lý Trực Sơn – một đồng môn trong trường mỹ thuật từ sơ trung cấp, có thể nói là một người bạn “Thanh mai trúc mã’ của chị, thường xuyên lên thăm, sau này hai người kết hôn với nhau năm 1979.

Thời kỳ này chị Quế chỉ tập trung vẽ chân dung bạn bè, và những người xung quanh. 

1983 Nguyễn Thị Quế bắt đầu làm việc cho phân xưởng đồ họa của Công ty mỹ thuật Quốc Gia. 9 năm chồng chị là họa sỹ Lý Trực Sơn sang Pháp theo đuổi nghệ thuật, chị Nguyễn Thị Quế  tập trung cho gia đình và con cái trong bối cảnh kinh tế đất nước trước thời kỳ đổi mới vẫn còn vô cùng khó khăn.Chị dành rất ít thời gian cho việc vẽ, và cũng không còn theo đuổi được niềm yêu thích là sơn mài như trước, mà chuyển sang vẽ giấy dó,và bán đi để kiếm sống cho gia đình. 

1992-1998 Nghệ thuật Việt Nam đạt một thời kỳ phát triển rực rỡ. Nguyễn Thị Quế cũng có cơ hội quay trở lại với sơn mài. Hai chủ đề chính mà chị khai thác là tĩnh vật trên sơn mài, và cuộc sống của những người dân tộc. 

Tranh của chị đã từng đoạt giải tại Triển lãm mỹ thuật Hà Nội – do Hội mỹ thuật Hà Nội tổ chức.   

2005 Chị bắt đầu chỉ tập trung sáng tác trên chất liệu sơn mài. Cách làm của chị là cách làm sơn mài thuần theo lối truyền thống. Chị dành nhiều công phu trong giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu hình họa bằng chì và ký họa bằng màu thành công, rồi mới bắt đầu bước vào thể hiện.

2016 Hai bức tranh của chị được mời tham dự tại Triển lãm sơn mài quốc tế Fuzhou International Lacquer Art Biennale- Trung Quốc. Triển lãm này hội tụ các tài năng châu Á trong lĩnh vực sáng tác sơn mài. Việt Nam có một số người được mời tham dự trong đó có Lý Trực Sơn, Nguyễn Thị Quế. 

-----------------------------------------

CÁC BỨC TRANH TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM “DẠO BƯỚC QUA VÙNG ĐẤT CỦA SƠN MÀI

Tranh sơn mài "Tĩnh vật hoa sen" 

Trong bức tranh này, họa sỹ vẽ một đóa sen được cắm xòe rộng trong một chiếc bình gốm cổ. Họa sỹ kể rằng đây là một bó sen thật do chồng chị là họa sỹ Lý Trực Sơn đem về nhà. Chị mang nó cắm vào chiếc lọ Hán trắng cổ - một trong những kỷ vật trong bộ sưu tập của gia đình.  Những cành sen mở rộng sự choán giữ không gian, trên một nền màu vần vũ những lớp bạc đã được mài đi. Bằng việc sử dụng các tương quan của bạc, các màu son trai và hồng hoàng nhuyễn vào nhau, họa sỹ đã thành công trong việc khắc họa tinh thần của sen trong sự chuyển động xao xuyến của nền.  

Tranh sơn mài "Tĩnh vật hoa chuối"

Mỗi một bức tranh của họa sỹ Nguyễn Thị Quế đều là một sự nghiền ngẫm kỹ lưỡng về nội dung và tìm hiểu sự thích hợp về mặt kỹ thuật. Nếu như trong bức Tĩnh vật hoa sen, họa sỹ tận dụng thế mạnh của bạc trong các tương quan của chính nó, thì ở bức Tĩnh vật hoa chuối, chị lại sử dụng các tương quan của các màu son, tối ưu thế mạnh của đa dạng màu son trong sơn ta. Thành quả sáng tác xin dành để người xem chiêm ngưỡng.  

Những bức tranh vẽ chủ đề dân tộc của họa sỹ Nguyễn Thị Quế

Những bức tranh này sáng tác sau một kỷ niệm họa sỹ Nguyễn Thị Quế tham dự lễ hội người Mèo ở Mộc Châu. Vẻ đẹp của cuộc sống và của những người phụ nữ dân tộc đã gây ấn tượng mạnh đối với họa sỹ. Những bức tranh đều phủ lên một màu xanh lam, xanh chàm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Các chi tiết gắn trứng và gắn bạc theo lối trang trí được cài vào các chi tiết trang sức như khuyên tai, họa tiết trên áo. Với lối sáng tác có các yếu tố trang trí trên sơn mài, các họa sỹ thường hay sử dụng không gian ước lệ, nhưng chị Nguyễn Thị Quế đã tiến lên thêm một bước khi tạo ra một không gian ba chiều đậm tính hội họa. 

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư