Phòng trưng bày nghệ thuật Hamilton tôn vinh các nữ nghệ sĩ người Ý thế kỷ 16: Gentileschi, Anguissola và Fontana (P1)

Phòng trưng bày nghệ thuật Hamilton tôn vinh các nữ nghệ sĩ người Ý thế kỷ 16: Gentileschi, Anguissola và Fontana (P1)

Bởi Hà Trang 16/02/2024

Ở nước Ý vào thế kỷ 16, phụ nữ có xu hướng kết hôn để giải quyết tranh chấp đất đai hơn là trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

(Bức tranh vẽ Lucretia của Artemisia lần đầu tiên được đem triển lãm ở Úc. Ảnh: Phòng triển lãm nghệ thuật Hamilton)

Nhưng một cuộc triển lãm ở khu vực Victoria mới đây đã tôn vinh không chỉ một mà là ba nữ nghệ sĩ người Ý, những người cách đây 400 năm đã phá vỡ giới hạn mà xã hội quy cho người phụ nữ để đạt được danh tiếng quốc tế cho nghệ thuật mà họ tạo ra.

Tuy nhiên, ngày nay ít ai biết tên tuổi của những người nghệ sĩ này vì sau khi Sofonisba Anguissola, Lavinia FontanaArtemisia Gentileschi trở nên nổi tiếng, thì ở một thời điểm nào đó, sự nghiệp nghệ thuật của họ đã bị vạch ra khỏi lịch sử.

(Một góc triển lãm tranh “Emerging From Darkness: Faith, Emotion and The Body in The Baroque”. Ảnh: ABC South West)

Triển lãm tranh “Emerging From Darkness: Faith, Emotion and The Body in The Baroque” (Vươn mình từ bóng tối: Niềm tin, Cảm xúc, và Thể xác với phong cách nghệ thuật Baroque) của phòng triển lãm nghệ thuật Hamilton là triển lãm mới nhất trong thời điểm gần đây khi mà số lượng các triển lãm nghệ thuật tăng lên đáng kể. Triển lãm tranh lần này nhằm làm sáng tỏ những đóng góp phi thường của các nữ nghệ sĩ mà tên tuổi của họ đã bị bỏ qua.

Không chỉ một người phụ nữ

Khi Laurie Benson, người giám tuyển phụ trách nghệ thuật quốc tế của Phòng trưng bày nghệ thuật Quốc gia Victoria, còn là học sinh trung học, có hai cuốn sách giáo khoa lịch sử nghệ thuật chuẩn mực để cho học sinh đọc - Câu chuyện Nghệ thuật của Ernst Gombrich và Lịch sử Nghệ thuật của Anthony và HW Janson.

“Không có bất kỳ một người phụ nữ trong cả hai cuốn sách đó - không một cuốn nào - và điều đó thật điên rồ,” ông Benson nói.

“Nhưng đó là câu chuyện về nghệ thuật, và những cuốn sách đó vẫn đang được in; ý tôi là, bạn vẫn có thể mua những cuốn sách đó”.

(Laurie Benson của phòng trưng bày quốc gia Victoria là người đồng giám tuyển của triển lãm lần này tại phòng triển lãm nghệ thuật Hamilton. Ảnh: Phòng triển lãm nghệ thuật Hamilton)

Ông Benson là người đồng giám tuyển của “Emerging From Darkness”, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong bối cảnh có sự thay đổi mạnh mẽ trong phong cách hội họa diễn ra vào cuối những năm 1500, khi Chủ nghĩa Manner nhường chỗ cho phong cách Baroque tự nhiên hơn.

Các nghệ sĩ Sofonisba, Lavinia, và Artemisia đã có mặt vì sự thay đổi của lịch sử và bằng cách theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp, chính những nữ nghệ sĩ này đã làm nên lịch sử.

Sofonisba, một ngoại lệ

Một cuốn tiểu sử được Raffaele Soprani ghi lại vào năm 1674 mô tả Sofonisba Anguissola là con cưng của thế giới nghệ thuật, một người phụ nữ có một cuộc sống thanh tao, sự ngưỡng mộ suốt cuộc đời, và khối tài sản dồi dào, đồng thời là người nhận thức sâu sắc về giá trị của bản thân.

Bà sống đến 93 tuổi và là người có ảnh hưởng lớn đến thế hệ nghệ sĩ nước Ý tiếp theo.

(Bức tranh chân dung tự hoạ của Sofonisba Anguissola, vẽ năm 1556. Ảnh: ABC South West)

Nhưng vào năm 1532 khi Sofonisba ra đời thì thời điểm đó không có một trường nghệ thuật nào tồn tại cả - những nghệ sĩ được đào tạo bởi một bậc thầy nghệ thuật. Các nghệ sĩ cư trú ngay trong khu nhà ở gắn liền với xưởng của của người thầy nghệ sĩ.

Nhà sử học nghệ thuật của Đại học La Trobe, Tiến sĩ Lisa Beaven - đồng giám tuyển triển lãm cùng với ông Benson và Ian Brilley của Phòng trưng bày nghệ thuật Hamilton, cùng với Tiến sĩ David Marshall từ Đại học Melbourne - cho biết việc phụ nữ tham gia vào phương thức học hỏi nghệ thuật thế này là điều không thể tưởng tượng nổi.  

Tiến sĩ Beaven nói: “Phẩm chất của phụ nữ rất quan trọng, họ không thể đến sống trong nhà một người đàn ông xa lạ cùng với rất nhiều nam sinh khác. Điều đó là không thể. Các nữ nghệ sĩ phải hoặc đã kết hôn với một họa sĩ hoặc là con gái của một họa sĩ”.

"Và ngoại lệ duy nhất thực sự là Sofonisba."

(Nhà sử học nghệ thuật của Đại học La Trobe, Tiến sĩ Lisa Beaven - đồng giám tuyển triển lãm “Emerging From Darkness”. Ảnh: ABC South West)

Nhưng 400 năm trước, vào thời điểm mà đức hạnh của người phụ nữ là giá trị cũng là trị giá của họ thì Sofonisba và chị gái Elena đã làm điều mà chưa một phụ nữ Ý nào làm được - họ trở thành học sinh của một nam nghệ sĩ bên ngoài gia đình họ.

Sự sắp xếp đặc biệt này được thực hiện bởi chính cha của họ là Amicare Anguissola, một nhà quý tộc có học thức và cởi mở, người đã coi Michelangelo là một trong số bạn bè của mình và đã gửi các con gái đến xưởng của nghệ sĩ Bernardino Campi trong ba năm.

Sofonisba đã thể hiện tài năng đặc biệt và tiếp tục được đào tạo tại xưởng thứ hai, với tư cách là học trò của chuyên gia bích họa Bernardino Gatti.

Chính ở đó, ở tuổi 19 và dưới sự hướng dẫn của Gatti, hoạ sĩ đã phác thảo một bức vẽ nhỏ kỳ quặc đã thắp lên ngọn lửa cho sự nghiệp nghệ thuật còn non trẻ của mình.

Sofonisba đã trở nên nổi tiếng rầm rộ vào những năm 1550.

Biểu tượng văn hoá năm 1554 của Sofonisba

Bức phác họa bằng than là dành cho Michelangelo, người thông qua cha cô đã thách thức Sofonisba làm chủ hai trong số những biểu cảm khó nhất của con người - ai đó đang cười và ai đó đang khóc.

(Sofonisba Anguissola, “A Boy Bitten by a Crawfish” (Cậu bé bị cua cắp), 1554, Museo di Capodimonte, Naples. Ảnh: Wikimedia Commons)

Không có máy ảnh để ghi lại và sao chép khoảnh khắc đó, vì vậy Sofonisba đã trêu chọc em trai Asdrubale của cô, khiến cậu ấy khóc và phác họa Cậu bé bị cua cắn.

Giống như một phiên bản thời Phục hưng của một biểu tượng văn hoá, bản phác thảo ấy kể lại một câu chuyện hài hước về một khoảnh khắc "đời sống" thông thường.

Michelangelo, vốn là một người có tầm ảnh hưởng, đã chuyển bản phác thảo ấy cho một số nhà quý tộc, bao gồm cả đại công tước Cosimo de Medici, và cuối cùng bản phác thảo nghệ thuật đã đến tay nghệ sĩ kiêm nhà văn Giorgio Vasari, người đã đặt bản phác thảo vào một cuốn sách mà ông viết cùng với những bậc thầy đáng kính khác.

Sự thừa nhận của những người có tiếng tăm từ những ngày chập chững bắt đầu sự nghiệp đã giúp Sofonisba có đủ can đảm để theo đuổi sự nghiệp hội họa không ngừng nghỉ cho đến khi nghệ sĩ quá già, mắt không còn đủ sáng để tiếp tục sáng tác.

(Bức tranh chân dung tự hoạ của Sofonisba Anguissola, 1610, được vẽ khi hoạ sĩ 78 tuổi. Ảnh: Public Domain)

Xem thêm phần 2 tại đây

Xem thêm phần 3 tại đây

 

Biên dịch: Huyền Trịnh

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư