Họa sĩ Lý Trực Sơn: Người tự... đày ải (Phần 2)

Họa sĩ Lý Trực Sơn: Người tự... đày ải (Phần 2)

Bởi Hà Trang 25/07/2023

Không quạt điện, không tivi, không ghế bàn, giường chiếu… và thời gian chủ yếu của ông là ở cái góc bếp "dã chiến" ghép bằng ba viên gạch nung cùng một đống củi đã được chẻ sẵn. Tôi có cảm tưởng, trong tiết trời nắng nóng với những công việc khá nặng nhọc so với một họa sĩ ngoài 60 tuổi như thế này, thật khó để trường sức "chiến đấu" với thể loại tranh có những màu sắc thiên nhiên thế này. Ông có vẻ tự… làm khổ mình quá?

Tôi khổ mãi nên quen rồi (cười!). Nói vậy thôi, được làm việc mình thích thì không thấy nhọc nhằn gì. Tôi không dùng quạt vì vẽ tranh giấy dó thì không thể dùng quạt được. Tôi đã kịp "sắm" mấy cái quạt mo từ mo cau trong vườn. Đây chỉ là một khu nhà đất rộng tôi đi thuê để làm xưởng vẽ của mình, cho nên cũng không thể sắm sanh đồ đạc. Cơm nước thì đã được vợ chuẩn bị sẵn cho từ nhà mang đi, sớm đi tối về. Ngày nào cũng phải đi về hơn năm chục cây số. Có hôm đến xưởng, tôi không vẽ và cũng chẳng đun nấu gì, chỉ chăm bón, tưới cây, trồng một vài loại cây mình mới tìm được. Nhà tôi ở cách sông Hồng chừng 150m, cách sông Đuống chừng 150m và cách khu dân cư sầm uất cũng chừng 150m, vậy là tùy tâm trạng của mình, có khi dạo chơi ra sông lấy đất phù sa, ngắm cảnh lấy cảm hứng. Cuộc sống như thế, với tôi, là không còn gì sung sướng bằng!

Ông là một họa sĩ từng có 9 năm đi học và làm việc ở nước ngoài. Mỗi nghệ sĩ khi "Tây du" trở về Việt Nam đều có sự học hỏi, du nhập văn hóa để tạo nên những dấu ấn riêng trong các tác phẩm của mình. Ông có thuộc tuýp người đó?

Năm 12 tuổi tôi đã vào học lớp trung cấp mỹ thuật hệ 7 năm (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Bảy năm sau, tốt nghiệp xong tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Năm đó, tôi mới 19 tuổi và là lứa giảng viên trẻ nhất hồi bấy giờ. Tôi học cùng lớp với họa sĩ Thành Chương. Tôi thường được các thầy cô giáo gọi đùa là "bách khoa toàn thư" Lý Trực Sơn, vì tôi đọc nhiều sách nên biết nhiều chuyện, còn Thành Chương thì được gọi là "tổng hợp toàn năng" vì cái gì cũng làm được và làm đến nơi đến chốn. Nhưng rồi sau đó cả hai chúng tôi rời trường đi lính theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi là lính pháo cao xạ, Thành Chương lính công binh. Hết chiến tranh, tôi rời quân ngũ và quay trở lại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội để học tiếp đại học. Và, như một cơ duyên, học xong, một lần nữa tôi được giữ lại làm giảng viên của Trường Mỹ thuật. Hồi đó, khi đã là một anh lính vào sinh ra tử lại cộng thêm cái chất văn nghệ sĩ, tôi chủ yếu dạy học sinh ở... ngoài quán nước chè nhiều hơn là trên lớp! Đến năm 1988, tôi được nhận học bổng đi Pháp một năm.

Khi đến với đất nước mà tiếng tăm về nền mỹ thuật đã trở thành đỉnh cao của thế giới, dĩ nhiên tôi ngộ ra nhiều điều khác với những bài giảng khô cứng trên lớp học. Tôi nói với thầy giáo, người đã mời tôi sang Pháp: "Tôi không thể ngồi trên lớp để học những bài vỡ lòng về hội họa, những điều này tôi đã học từ năm 7 tuổi. Tôi muốn đi tới nhiều thành phố ở đây để lấy tư liệu và cảm xúc!". Nghe xong, tưởng ông thầy tức giận, ngược lại, ông còn "cấp" thêm cho tôi một năm học bổng để có thể ở lại Pháp và thực hiện ước mơ của mình. Và, cứ lẳng lặng một mình một bóng với niềm đam mê hội họa, tôi đã ở lại ngao du tận trời Âu tới… 9 năm trời mới trở lại Việt Nam. Khi trở về, gia tài tôi chẳng khác gì lúc tôi ra đi, ngoại trừ một hình hài đã già nua theo năm tháng và một cái đầu chứa đựng những điều đã học được trong những năm tháng ở Pháp, Đức làm họa sĩ vẽ ký họa đường phố cùng sự quen biết, giúp việc và học hỏi nhiều họa sĩ nổi tiếng ở Pháp lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong nghệ thuật, cái "được" nó vô hình lắm. Tôi thấy, mình được đi, được sống, được vẽ như vậy là đã hạnh phúc rồi!

Với những tác phẩm tranh đã hoàn thành trên chất liệu giấy dó và màu thiên nhiên, ông có định sẽ có một cuộc triển lãm để nhiều người được chiêm ngưỡng thành tựu của ông trong thời gian qua?

Năm ngoái, sau chuyến đi Trường Sa trở về, tôi đã vẽ được gần 20 bức tranh về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của những em bé, những người dân trên quần đảo Trường Sa bằng chất liệu tranh giấy dó. Tôi đã mở cuộc triển lãm chung với họa sĩ Đào Châu Hải về chuyến đi này vào tháng 12 - 2010 vừa qua. Trong đời làm nghề của tôi, thời điểm tôi đắm say với chất liệu sơn mài, tôi đã vẽ liên tục và mở triển lãm riêng "Chốn này" và dừng vẽ sơn mài để tìm tòi một chất liệu khác. Với chất liệu giấy dó, tôi dự định sẽ triển lãm riêng vào tháng 10 năm nay và sẽ cố gắng mang tới cho khán giả những tác phẩm tốt nhất có thể!

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm phần 1 tại đây

 

Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Hoa-si-Ly-Truc-Son-Nguoi-tu-day-ai-i329871/

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư