Năm 2018, hai nhà sưu tập nghệ thuật Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt (chủ sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật Phạm Lê) khi đang nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương đã tình cờ đọc được bài viết của một tác giả người Mỹ về triển lãm tranh Kho báu bị lãng quên của họa sĩ Trần Phúc Duyên ở Thụy Sĩ.
Họ lập tức tới châu Âu để tìm người tổ chức triển lãm tranh. Tại đây, họ được biết họa sĩ Trần Phúc Duyên đã qua đời tại Bern năm 1993. Vì ông không có con nên toàn bộ tác phẩm, tài liệu và di vật của ông đều được đóng gói và cất giữ trong nhà kho của một lâu đài ở ngoại ô. Nói chính xác, thì hơn 100 tác phẩm tranh sơn mài đáng giá đã bị lãng quên. Năm 2013, người chủ mới tiếp quản lâu đài, phát hiện di sản này và lên đường tìm kiếm người thừa kế của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Họ liên hệ với cháu trai của Trần Phúc Duyên - Trần Tường Vân - để bán tác phẩm nghệ thuật.
Một tác phẩm tranh sơn mài phong cảnh của họa sĩ Trần Phúc Duyên
Vào thời điểm hai nhà sưu tập nghệ thuật Việt Nam tiếp cận được những tác phẩm này, một số đã được bán, số còn lại được cất giữ trong điều kiện không phù hợp khiến tranh bị hư hỏng phần nào.
“Nhìn những tác phẩm nghệ thuật nằm trên mặt đất, trong đó có những bức tranh hai tấm đã được xẻ ra để bán lẻ, chúng tôi tiếc nuối vô cùng và quyết định dùng hết số tiền tiết kiệm được để mua lại di sản đồ sộ này”, ông Phạm Quốc Đạt nói.
Một tác phẩm tái hiện cảnh gặt lúa ở quê nhà của họa sĩ
Hai nhà sưu tập gặp ông Tường Vân tại Paris, Pháp để bày tỏ mong muốn mua lại toàn bộ tác phẩm của họa sĩ, nhằm bảo tồn di sản và đưa nghệ thuật của Trần Phúc Duyên về Việt Nam. Sau khi mang bộ sưu tập tranh về Việt Nam, hai nhà sưu tập nghệ thuật này đã thuê chuyên gia sửa chữa những bức tranh bị hư hỏng. Vì tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên sử dụng kết hợp chất liệu phương Đông và phương Tây nên quá trình sửa chữa, phục chế gặp nhiều khó khăn.
Để tưởng nhớ Trần Phúc Duyên, các nhà sưu tập cùng với giám tuyển Ace Lê và gia đình cố họa sĩ đã giới thiệu tranh của ông tại TP.HCM.
Triển lãm diễn ra vừa rồi tại TP Hồ Chí Minh đã tái hiện lại các giai đoạn sáng tác nghệ thuật của họa sĩ kể từ khi ông tốt nghiệp Lớp 16 École des Beaux-Arts (1942-1945), thời kỳ làm thợ may (1948-1954), thời gian ông ở Pháp (1954-1968) và Thụy Sĩ (1968-1993), cho đến khi ông qua đời. Các tác phẩm được nhóm thành các chủ đề chính, từ tượng hình đến tối giản: cuộc sống đời thường, phong cảnh, tĩnh vật, mực và nghệ thuật Thiền, trừu tượng và tưởng niệm.
Triển lãm tranh còn kèm theo một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Phúc Duyên. Cuốn sách này sẽ được chính thức xuất bản trong năm nay với sự hỗ trợ của hai nhà sưu tầm nghệ thuật, đặc biệt bao gồm các bài bình luận của các học giả nghệ thuật quốc tế và Việt Nam.
“Tôi rất vui khi được trở lại Việt Nam để mừng sinh nhật lần thứ 100 của chú tôi, họa sĩ Trần Phúc Duyên. Có lẽ đây là cách chú tôi mong muốn trở lại quê nhà sau thời gian ở châu Âu”, ông Trần Tường Vân nói.
Xem thêm phần 1 tại đây
Nguồn: Hanoi-born painter's artwork returns from Europe | hanoitimes.vn
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền