TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT "PHỤ NỮ ĐỌC SÁCH"

Bởi Hà Trang 21/09/2023

“Phụ nữ đọc sách” không chỉ là một hình ảnh lãng mạn, mà còn là một hình ảnh mang tính biểu tượng. Nhiều hoạ sĩ nổi danh trên thế giới đã từng thích thú với chủ đề này: từ Johannes Vermeer với 2 bức phụ nữ đọc thơ, đến Théodore Roussel, Manet, Picasso, Henri Matisse….đều có tranh phụ nữ đọc sách. Những năm thế kỷ 18 -19 vẫn còn ít phụ nữ đọc sách, làm thơ, tham gia đàm luận các vấn đề chính trị xã hội, cho đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 phụ nữ mới bắt đầu có quyền bầu cử, thực sự tham gia vào các lĩnh vực công việc và hoạt động xã hội mà trước đó chỉ có đàn ông mới tham gia. Bởi thế, lúc ấy chủ đề này là nguồn cảm hứng sáng tác nóng bỏng của nhiều họa sĩ. Chủ đề phụ nữ đọc sách và tính biểu tượng của nó, tại Việt Nam và so với thời đại hiện giờ, hẳn đã có ít nhiều thay đổi. 

Dự án này mời 17 hoạ sĩ tham gia sáng tác. Qua những bức tranh của họ- những người dành nhiều thời gian cho việc quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống; và qua cách họ đặt tâm tư vào chủ thể, phần nào ta có thể nhìn thấy phụ nữ trong một khía cạnh đương thời ở Việt Nam.  Liệu họ sẽ thấy hình ảnh một phụ nữ bên cạnh sách vở là một hình ảnh trìu mến hiện lên trong tâm tưởng? một người đẹp bên cạnh thú vui đọc sách tao nhã? hay họ sẽ gắn nó với bộn bề đa nhiệm của những phụ nữ hiện đại- vừa là con người của gia đình, vừa khát khao phát triển nhận thức và cống hiến cho xã hội? 

Một chủ đề đơn giản mong muốn có những góc nhìn đa dạng. Cho dù chúng ta thấy góc nhìn này không mới – sự thật là như vậy, và nếu chúng ta may mắn nhận thấy một góc nhìn mới, thì đấy chính là phần thưởng cho việc thưởng thức nghệ thuật này.  

Triển lãm của dự án diễn ra từ ngày 22/9/2023 cho đến ngày 22/10/2023  tại The Muse Artspace tại 47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; với sự đồng hành từ nhà tài trợ độc quyền là ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), trong chương trình ra mắt  Câu Lạc Bộ Nữ Chủ Doanh Nghiệp. Câu lạc bộ này mang đến những chính sách ưu đãi chuyên biệt dành riêng cho phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, đồng hành cùng các nữ chủ tiếp tục tiên phong dẫn dắt doanh nghiệp và cộng đồng. Đây là một hành động với tầm nhìn bền vững là ủng hộ phụ nữ giữa bao nhiêu trách nhiệm, vẫn có một cuộc sống phóng khoáng, độc lập về tài chính, và hơn hết là những phút lãng mạn của riêng mình. 

Các họa sĩ tham gia bao gồm: Trần Thu Huyền, Nguyễn Văn Trinh, Trịnh Quỳnh Trâm, Nguyễn Hoàng Dung, Cao Thục, Trịnh Lữ, Cao Nam Tiến, Trương Văn Ngọc, Bảo Huỳnh, Dương Mạnh Quyết, Đỗ Anh Hoa, Nguyễn Phương Hoa, Minh Đàm, Dương Minh Hải, Nguyễn Minh Quân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Hà Phương.

Mời các bạn đến thưởng thức. 

Giám tuyển triển lãm.

Vân Vi

----------------------------------------------------------------------------------

KHÔNG ĐỨNG, KHÔNG NGỒI, KHÔNG YÊN (1)

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Dung.

Tranh  sơn dầu,  2023

Đây là một bộ tranh gồm nhiều tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hoàng Dung. Tình cờ dự án “Phụ nữ đọc sách” tương đồng với những gì Dung sáng tác. Phụ nữ có bản năng đa nhiệm, luôn tất bật với nhiều nhiệm vụ từ công việc đến gia đình con cái… Trong đời sống hiện đại, tư tưởng của phụ nữ không còn chỉ nằm trong nhiệm vụ phục vụ gia đình, họ cũng cần có sự nghiệp riêng, cần có vai trò trong xã hội, nhưng để tìm được một người phụ nữ chỉ chuyên tâm vào một trong các vai trò đó là hiếm có. Vì thế, phụ nữ thường không yên ổn, và Dung muốn biểu hiện điều này qua các hình thể trong tranh: hầu hết đều đang trong hành vi hết đứng lại ngồi. 

Những tranh này không cần phải liên quan đến nhau thành một câu chuyện, mà tất cả nằm trong chủ đề lớn về phụ nữ của Nguyễn Hoàng Dung.  Nét vẽ của Dung lúc cứng rắn mạnh mẽ, lúc mềm mại trang nhã, mang tính khái quát cao… gửi gắm nhận thức của bản thân, qua đó phản ánh một câu chuyện vừa riêng tư, vừa mang tính thời đại, dành cho phụ nữ.

BÊN VƯỜN CÓ GIÓ VÀ TIẾNG CHIM

Họa sĩ Trương Văn Ngọc

Tranh màu nước, mực tàu, acrylic trên giấy, kích thước  54x78cm,  2023

Khi được hỏi về hình ảnh phụ nữ đọc sách, Ngọc chia sẻ rằng đối với anh đó là vẻ đẹp được tu dưỡng từ phía bên trong, khiến cho vẻ đẹp bên ngoài trở nên có chiều sâu. Người mẫu trong bức tranh tham gia triển lãm lần này chính là vợ của Ngọc. Cô mặc một bộ đồ hiện đại thoải mái, rất thực, rất đời nhưng được đặt trong một bối cảnh xưa cũ - đã được thấy cả hàng trăm năm trong các bức hoạ cổ mang tinh thần thủy mặc phương Đông. Không gian tranh có phần tiền cảnh được phủ lên những mảng trắng thành vệt rơi xuống và bao xung quanh; khiến hình ảnh người phụ nữ hiện ra trong một bối cảnh mơ hồ - phải chăng cũng chỉ là ảo ảnh nhất thời của người họa sĩ.

KÝ HỌA (3)

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Tranh chì trên giấy,  2023

Trong các lớp mỹ thuật, có những sinh viên chỉ đến để tham dự một vài giờ, có những sinh viên sẽ ở đó cả ngày để tiếp tục với niềm đam mê từ sáng đến tối. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng vẽ một cô gái bên trang sách giữa giờ nghỉ trưa của lớp học mỹ thuật. Tuy đơn giản nhưng nét bút có tinh thần là điều đáng nói của bức ký họa này.

TÂM HỒN TRONG SÁCH (4)

Họa sĩ Trịnh Quỳnh Trâm

Tranh màu acrylic trên toan, 110x110cm

Nghệ thuật của Trâm mang phong cách “phá vỡ cấu trúc”. Trâm không muốn mô tả sự vật bằng con mắt của hiện thực, mà thiết kế lại theo một cách riêng. Các bức tranh của cô thường xoay quanh những sinh vật nhỏ bé, những xúc cảm ngẫu hứng, những ý nghĩa vô đề, hư không… dẫn dắt người xem tự cảm nhận, không áp đặt một cái nhìn nào cụ thể trong những mảng màu tươi sáng và khỏe khoắn.

Tranh của Trâm mang bố cục vô hướng, nên xoay hướng nào cũng tạo ra một cái nhìn mới. Tuy rằng bức tranh này sáng tác có chủ đề cho dự án “Phụ nữ đọc sách” nhưng Trâm vẫn giữ được phong cách có tính gợi mở về không gian của mình.

MƠ VỀ VÙNG SỐNG (5)

Họa sĩ Nguyễn Văn Trinh

Tranh màu nước trên lụa,  90x70cm, 2023

Họa sĩ Nguyễn Văn Trinh đã dành nhiều năm để theo đuổi chất liệu lụa. Nét vẽ của Trinh mềm mại, tan biến đi trong không gian tranh, và chuyển sắc với các độ chênh rất nhỏ; tạo ra một sự êm ái, mơ hồ và tận dụng được tối đa được thế mạnh của màu nước trên lụa.

Cô gái đang nằm mơ màng, trong lòng là cuốn sách có tên “Vùng Sống”. Đây cũng là tên chuỗi tác phẩm sáng tác trong vòng 3 năm qua của Nguyễn Văn Trinh, mô tả một vùng sống giả tưởng không có định giới – là nơi họa sĩ có thể không ngừng tạo ra những chủ thể mới trong vùng sống của mình.

Những cuốn sách cũng là nơi mà mọi người thường được được thả hồn vào trong một thế giới tưởng tượng riêng, mỗi người một khác. Họa sỹ tìm thấy sự tương đồng này với Vùng Sống.

HƯƠNG QUỲNH (6)

Họa sĩ Bảo Huỳnh

Tranh màu nước trên giấy,  56x76cm, 2023

Họa sĩ Bảo Huỳnh quê ở Cù Lao Chàm, anh kể rằng ở đó đến tận những năm gần đây anh vẫn còn dùng đèn dầu để đọc sách. Nghĩ đến đọc sách là hình ảnh ánh đèn dầu phủ vàng lại đến với anh. Bảo quyết định lấy không gian đó làm nền, và hình ảnh hoa quỳnh làm hình tượng cho phụ nữ. Đối với Bảo, phụ nữ đọc sách cũng như hoa quỳnh trong đêm mang vẻ thanh khiết, và có hương thơm nhẹ nhàng.

SÁCH ĐỎ (7)

Họa sĩ Cao Nam Tiến

Tranh sơn dầu, 120x80cm, 2023

Cao Nam Tiến lấy tên tranh của mình là “Sách đỏ”. Anh nói rằng hiếm khi anh còn nhìn thấy mọi người đọc sách, chứ không chỉ là phụ nữ. Đôi khi ở những người đọc sách, anh lại thấy họ đọc mà không xa rời được sách vở. Đối với anh việc đọc sách, hơn hết thảy, là việc đánh thức được điều gì tốt đẹp nhất ở bản thân qua trang sách. Bởi vậy trong dự án này, anh vẽ một thiếu nữ cùng với sách, nhưng cuốn sách đó bay lên rời khỏi lòng bàn tay cô. Bức tranh cũng phản ánh quan điểm và suy tư riêng của họa sĩ.

Cao Nam Tiến vẽ sơn dầu nhiều lớp, tỉ mỉ, đạt được độ sâu cần có của một chân dung, và khiến hình ảnh sống động như một chủ thể tồn tại độc lập.

NGƯỜI NỮ ĐỌC SÁCH

Họa sỹ Trịnh Lữ (8)

Tranh aryclic trên toan, 150x90cm, 2023

Khác với đàn ông, người nữ nào đọc sách cũng có lí do chính đáng. Họ đọc kinh thiêng để dâng trọn đời trinh tiết của mình cho Thượng Đế; đọc triết lý để chiêm nghiệm những bí ẩn không thể hiểu hết được của cả cõi người và cõi trời; đọc tiểu thuyết để tìm vào thế giới nội tâm của mình; đọc ngôn tình để nuôi dưỡng khoái lạc không ai có thể cấm được mình… Phụ nữ không thích khoe khoang mình đã đọc những gì. Sách là thế giới riêng của họ. Họ chỉ đọc những gì họ thực sự tò mò, nên từ xưa đến giờ, họ thích đọc một mình, ngay chỗ mình nằm ngồi hàng ngày, và để gạt bỏ mọi rào cản với những con chữ lạ lùng kia, họ cởi bỏ mọi xiêm áo, cả tấm thân họ thành một thực thể đọc sách. Thì ra nguồn sinh lực nuôi dưỡng cảm hứng sống từ ngôn từ trong sách đã biến thành nguồn sữa mẹ của nhân loại. Mọi lí do đọc sách riêng tư của từng cá thể người nữ đã trở thành một lí do phổ quát có tính nhân loại. Người nữ trở lại với chức năng Người Mẹ, và sang thế kỷ 21 này, ngay trong xã hội Việt Nam của chúng ta, họ đang rủ nhau “Đọc sách cùng con”.

Trong bức tranh có tính ẩn dụ này, tôi không mô tả chân dung hai mẹ con cùng đọc sách, mà tìm cách tạo hình cho ý tưởng về “nguồn sữa mẹ” của nhân loại từ những trang sách mà họ đang đọc cùng nhau. Tôi cho họ đọc một cuốn sách về các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta – một biểu tượng phổ quát về cuộc sống của nhân loại. Và cho những trang sách ấy âu yếm phát sáng bao trùm hai mẹ con. Trong đống sách của họ tôi thấy có một bộ sách mini (Box Set) các tác phẩm của Shakespeare, và một cuốn “Thuyền buồm Đông Dương” đang để mở cạnh đó. Và tôi dùng hoa lá như biểu tượng của tình yêu để kết nối mọi người nữ đọc sách của mình. Hình ảnh của họ đã thành vĩnh cửu nhờ nghệ thuật tạo hình từ các thế kỷ 15, 18, 19, 20 và cả thế kỷ 21 đương thời của chúng ta.

TRONG PHÒNG CHỜ

Họa sỹ Dương Mạnh Quyết (9)

Tranh màu tổng hợp, 60x60cm, 2023

Bức tranh rất gần với một trực họa bởi tính hiện thời của nó. Họa sỹ Dương Mạnh Quyết chia sẻ rằng bạn bè anh bây giờ tiếp cận sách qua những phương tiện khác nhau. Trong tranh là một cô gái đang nghe sách nói, trên tay là điếu thuốc lá, là một hình ảnh thật mà Quyết quan sát được.

MỘNG

Họa sỹ Cao Văn Thục (10)

Tranh sơn dầu, 115x135cm, 2023

Khi nhận lời tham gia triển lãm Phụ Nữ đọc sách, với tôi mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí tôi còn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng khi ta suy nghĩ về một việc nào đó, và quan sát những điều liên quan đến nó trong cuộc sống quanh mình, là khi mọi thứ dần trở nên rõ ràng hơn. Tôi bắt đầu thấy việc đọc sách giống như sự chìm đắm vào mênh mang trong những câu chuyện, như lạc vào những thế giới khác nhau. Tôi thấy cái đắm đuối đầy suy tư trong dáng vẻ của một cô gái đang thả hồn vào trong thế giới của riêng mình”.

THƯ GIÃN

Họa sỹ Trần Thu Huyền  (11)

Tranh màu nước trên lụa, 88x68 cm, 2023

"Tôi luôn thích những chuyến đi. Bởi có lẽ chỉ khi đứng trước một vùng đất mới chúng ta mới thấy mình bé nhỏ, xa lạ và sực nhận ra ta là ai, ta phải làm gì. Trong hành trình của chúng tôi, đọc luôn là một phần ý nghĩa..." -  Trần Thu Huyền. 

Họa sĩ Trần Thu Huyền vẽ bức tranh này với người mẫu trong tranh chính là cô con gái nhỏ lên 8 tuổi của mình. Bố cục tranh được chia thành hai nửa ngăn cách bởi một dòng sông với những con thuyền giấy đang trôi dạt. Phần phía trước là hình ảnh một cô bé với dáng vẻ vô tư đang đọc sách, những đám mây cổ nằm trên tay và lẩn khuất vào trong cơ thể. Phần phía sau là một tấm bản đồ Hà Nội xưa. Đọc sách lại gắn Huyền vào suy tư về thời gian, về thế hệ, về những giá trị có thể tồn tại lâu đời được lưu giữ trong những con người mới.

MỘT NGÀY

Họa sỹ Đỗ Thị Anh Hoa (12)

Tranh phấn dầu, 100x100 cm, 2023

Họa sỹ Đỗ Thị Anh Hoa nói rằng chị thấy thế hệ trẻ bây giờ ít đọc sách, ngay cả con gái chị là một người thích đọc cũng không còn tự tìm sách để đọc như ngày xưa, mà chỉ thi thoảng tìm đến những cuốn chị tha thiết giới thiệu. Trong khoảnh khắc cô bé nằm đọc sách, họa sỹ thấy hình ảnh đó thật rực rỡ, vui nhộn, giống như muôn hoa đang nở trong khu vườn đẹp đẽ, ở cả bên ngoài, lẫn trong tinh thần. Đó là niềm cảm hứng để họa sỹ Anh Hoa sáng tác tác phẩm này. 

GIẤC MƠ CHAGALL

Họa sỹ Nguyễn Phương Hoa (13)

Tranh màu nước trên lụa, 52x98cm, 2023

Họa sỹ Nguyễn Phương Hoa đến với chất liệu lụa đã được 30 năm. Là một người có thói quen đọc sách, chị Hoa nói rằng trước đây việc thấy mọi người đọc sách là một điều hết sức bình thường, nhưng kể từ khi mọi người đều nhìn vào điện thoại thì tự dưng chị lại thấy hình ảnh đó trở nên quý giá và ít nhiều có cảm tình. Người mẫu trong tranh là Vy con gái của chị Hoa, bức tranh được chuyển thể từ một ký họa đã từ rất lâu rồi. Tranh Phương Hoa luôn tạo hình mềm mại, nữ tính, mang đến một mối tình cảm trìu mến dành cho phụ nữ.

TIẾNG GỌI

Họa sỹ Minh Đàm (14)

Tranh màu nước trên giấy, 57x76cm, 2023

“Tôi vẽ một cô gái Hà Nội. Giữa sự nhộn nhịp, sôi động của phố phường, cô tìm tiếng gọi của bình yên qua sách vở. Còn tôi đang sống ở Ba Lan quá yên bình, lại tìm về Hà Nội để có được sự đa dạng trong cuộc sống. Trong khi vẽ bức tranh này, tôi nghe bản nhạc Thiên đường của Coldplay”- Minh Đàm

Minh Đàm sống ở Ba Lan từ nhỏ. Anh là họa sĩ chuyên sáng tác trên chất liệu màu nước, với những gam màu tươi sáng, lãng mạn, mang âm hưởng phương Tây. 

MỘT CHƯƠNG MỚI

Họa sỹ Dương Minh Hải (15)

Tranh màu nước trên giấy, 55x55cm, 2023

“Đối với tôi “phụ nữ đọc sách” là một hình ảnh đẹp. Trong từng trang sách, họ khám phá thế giới và mở ra cánh cửa đến những cuộc phiêu lưu tinh thần. Từ những tác phẩm văn học kinh điển đến những cuốn sách khoa học mới nhất, phụ nữ tạo nên sự đa dạng và sự phong phú trong thế giới của tri thức. Những cuốn sách là nguồn cảm hứng và kiến thức không giới hạn. Phụ nữ đọc sách để tìm thấy những câu chuyện về sự mạnh mẽ, lòng kiên nhẫn và sự sáng tạo. Hơn nữa, mỗi một vấn đề trong sách sẽ là một cánh cửa mới mở ra những chân trời mới, thậm chí là một chương mới trong cuộc sống của họ. Tôi vẽ cô gái ngồi một mình bên cạnh cửa sổ, sau khi đọc xong một chương sách, cô nhìn ra cửa sổ và ngẫm về những gì cô đã trải qua. Cô suy nghĩ, liệu rằng cô sẽ làm gì cho “một chương mới” của cuộc đời cô? Liệu rằng nó sẽ đi theo hướng tốt hay xấu, có rõ ràng và rành mạch như chương sách mà cô vừa đọc hay không? Cô cứ thế đắm chìm trong những suy nghĩ. Đó là một buổi sáng ở Đà Lạt, trời se lạnh dưới ánh nắng sớm…” - Dương Minh Hải

TRẦM TÍCH NƠI THÀNH PHỐ KHÔNG TƯỞNG

Họa sĩ Nguyễn Minh Quân (16)

Tranh màu tổng hợp trên giấy, 57x76cm, 2023

“Trong “Trầm tích nơi thành phố không tưởng” tôi muốn thử tạo ra trong tranh mình một sự điểm không- thời gian, một phóng chiếu lên quá khứ. Tôi vẽ bức tượng cổ có hình ảnh một người phụ nữ ôm sách, trên nền là bản đồ Hoàng Thành Thăng Long. Nó đưa ta đến một thực tại khác nơi quá khứ vẫn đang xảy ra, nơi tại đây, lúc này ta gọi nó là tưởng tượng.” - Nguyễn Minh Quân. 

Nguyễn Minh Quân vẽ một bức tượng người phụ nữ với trang phục cổ. Ta không thực sự nhìn thấy cô đang cầm trên tay cuốn sách hay đang nằm trong một cuốn sách. Bức tranh còn có một số chi tiết khác như một gương mặt lớn ở phía sau lưng cô gái, ẩn hiện cùng bản phối màu sắc có phần quen thuộc với văn hóa Việt. Các chi tiết này và cách dùng màu trong tranh đều cho ta một cảm giác linh thiêng và thần bí. 

CHỦ NHẬT

Họa sỹ Nguyễn Hà Phương (17)

Tranh  màu nước trên lụa,  60x112cm, 2023

“Tôi yêu sự giản dị, nên tôi luôn muốn tranh tôi như thế. Tôi vẽ những cô gái nhỏ đang đọc sách bên nhau, thi thoảng sẽ có cô ngừng lại, nhón 1 quả mận, rồi nói một vài câu cùng bè bạn ...không khí vui vẻ, yên bình. Mọi thứ thật bình thường như thế. Đọc sách khiến tâm hồn rộng mở, tất cả nối với nhau một cách tự nhiên và tự nhiên mỉm cười.” - Nguyễn Hà Phương. 

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư