Triển lãm tranh “Tay níu thời gian” tưởng nhớ 20 năm ngày mất cố họa sĩ Bửu Chỉ

Triển lãm tranh “Tay níu thời gian” tưởng nhớ 20 năm ngày mất cố họa sĩ Bửu Chỉ

Bởi Hà Trang 21/04/2023

Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa đồng hành cùng không gian trưng bày nghệ thuật REI Artspace đã tổ chức triển lãm tranh “Tay Níu Thời Gian” giới thiệu gần 30 tác phẩm được sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau: sơn mài, vải bố, giấy… để tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố họa sĩ Bửu Chỉ (8/10/1948 – 14/12/2002). Các tác phẩm sẽ được trưng bày tại không gian nghệ thuật Le Lycée từ ngày 26/03 đến hết ngày 26/05/2023

Triển lãm tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố hoạ sĩ Bửu Chỉ, đồng thời giới thiệu đến công chúng cuốn sách “Tay Níu Thời Gian” gồm tiểu sử của hoạ sĩ Bửu Chỉ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả bước sâu vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.

Họa sĩ Bửu Chỉ sinh năm 1948 tại Huế, là Cử nhân Luật (Ðại học Huế), tự học để trở thành Họa sĩ. Năm 1972 đến 1975, ông bị giam tù vì tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên-học sinh; năm 1983 đến 1988, là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ tạo hình VN.

Họa sĩ Bửu Chỉ có tác phẩm trong Viện Bảo Tàng Mỹ thuật VN và Singapore cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân của châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ; năm 1988, ông triển lãm cá nhân tại Paris, năm 1994, triển lãm cá nhân tại Hong Kong, năm 1995, ông được mời tham gia triển lãm "Quyền hy vọng" của Liên Hiệp Quốc. Ông còn có nhiều cuộc triển lãm trong nước cùng họa sĩ Hoàng Ðăng Nhuận.

Trong bài viết “Bửu Chỉ, tranh là những nỗi niềm bí mật” trên trang duyendangvietnam.net.vn, họa sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã nhận xét về tranh của cố họa sĩ:

“Sinh thời Bửu Chỉ sống ở Huế và cũng không có quá nhiều cuộc trưng bày tranh. Có lẽ, hội họa đối với ông là lẽ sống, là cuộc chiêm nghiệm. Cuộc đối đầu của bản thể với thời gian để truy lĩnh, giác ngộ mặc khải chứ không phải cuộc ráo riết áo cơm thương mại. Vì thế, tôi không được xem nhiều tranh của ông. Tuy nhiên, phải nói rằng tranh ông gợi nhớ đến những đề tài quen thuộc mà các “mét-tơ”, các danh họa thế giới đã đeo đuổi như Matisse, Picasso đặc biệt là Salvador Dali. Các biểu thức như đồng hồ chảy nhão, con người cheo leo trên mỏm vực thời gian đi từ lập thể đến chủ nghĩa siêu thực. Tranh Bửu Chỉ cho thấy siêu niệm về một thế giới suy tàn mà con người thực ra đã bất lực vì không thể làm chủ được nó cho dù ngỡ đã tàn phá, cải đổi, dời non chuyển bể.

Ông đã viết: “Có người quan niệm rằng hội họa không thể nào truyền đạt được một thông điệp khi nó là một thứ nghệ thuật phi tuyến tính, nghĩa là không có trình tự trước sau… Tôi không đồng ý với quan niệm này, vì nó có nhiều điểm không ổn và không xác đáng”. Từ sự tìm kiếm tân biểu hiện (neo-expressionnisme) qua tượng trưng (symbolism), cuối cùng ông đã mặc nhiên kết hợp nhiều phong cách với nhau. Để tôn tạo một cái Tôi - Tranh trên bề mặt thế giới hỗn độn các quan niệm, chủ thuyết và sắc màu.”

 

Nguồn: Hanoi Grapevine

Sự kiện: https://www.facebook.com/events/1294599994735941

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư