TRIỂN LÃM TRANH CÁ NHÂN HỌA SĨ HÀ MẠNH THẮNG “CẢNH MỘNG”

TRIỂN LÃM TRANH CÁ NHÂN HỌA SĨ HÀ MẠNH THẮNG “CẢNH MỘNG”

Bởi Hà Trang 17/07/2023

Từ ngày 15/7/2023, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) hân hạnh giới thiệu triển lãm tranh cá nhân “Cảnh Mộng” của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng, một trong những gương mặt nổi bật của hội họa trừu tượng Việt Nam với dấu ấn riêng độc đáo trong ngôn ngữ và phong cách sáng tác.

“Cảnh Mộng” tập hợp 37 tác phẩm nghệ thuật mang chủ đề phong cảnh được thực hiện trong khoảng năm năm trở lại đây. Ở đó, Hà Mạnh Thắng chiêm nghiệm về tính ước lệ trong quang cảnh, điểm giao thoa giữa ngoại tâm (phong cảnh thực thấy) và nội tâm (cái thần của phong cảnh được thu vào và chuyển hóa trong tâm hồn), thông qua những thử nghiệm trên toan theo thiên hướng Trừu tượng.

Các tác phẩm trong triển lãm tranh “Cảnh Mộng” đánh dấu một bước chuyển mình của Hà Mạnh Thắng trong hành trình thử nghiệm với nghệ thuật Trừu tượng, thể hiện ở chính cách nghệ sĩ xử lý bề mặt của những bức tranh. Bên cạnh những chất liệu có độ bám dính và mấp mô như sơn dầu và acrylic, anh còn thêm vào những chất liệu bắt và phản sáng (vàng lá), tạo lớp sần sùi loang lổ (bột than), hay thậm chí là góc cạnh gợn sóng (phiến đồng phơi). Mỗi chất liệu mà Hà Mạnh Thắng sử dụng đều góp phần vào việc trừu tượng hóa phong cảnh, mở ra một căn tính và công năng mới cho bản thân chất liệu.

(Poster triển lãm, nguồn ảnh tại trang facebook triển lãm)

Việc kết hợp cả toan dày và lụa mỏng làm nền cho chất liệu tự thân nó cũng là một thể hiện của tính cân bằng âm dương, một nét trừu tượng vốn luôn ngầm ám chỉ tới cách vạn vật trong thế gian xoay vần và tồn tại. Trong sê-ri tác phẩm sắp đặt của Hà Mạnh Thắng, việc tạo hình không xảy ra trên toan mà lại nằm ở việc tạo tác khung toan. Những bức họa căng trên khung giống như bia đá cổ, được đặt đầy nghiêm cẩn trên chiếc bàn gỗ. Thông qua sự đối lập giữa toan và lụa, giữa khung hình tạo khối tĩnh và màu sắc biến động không ngừng trên mặt tranh, nghệ sĩ đã mở ra những quang cảnh nằm ở đâu đó giữa âm và dương, giữa mộng và thực, giữa hữu hình và phi hình thể. Trừu tượng ở đây không đồng nghĩa với việc triệt tiêu hình tượng: những phần tố trong cảnh vật đã được anh nhào nặn và chuyển hoá qua chất liệu, bề mặt, cũng như cách sắp đặt để thể hiện tinh thần trừu tượng trong thi ca cổ, với những áng thơ in khắc chìm nằm lẩn khuất đằng sau khung tranh, như những chỉ dẫn đầy ý nhị về nguồn cảm hứng vô tận cho hành trình thử nghiệm của Hà Mạnh Thắng.*

Nghệ sĩ chia sẻ: “Tiến trình trừu tượng hóa một tác phẩm phong cảnh dựa trên nguồn cảm hứng một phần từ thi ca cổ giúp tôi nới rộng biên độ hình ảnh, các chiều của không gian, mở ra sự vô tận đạt đến tính tuyệt đối và đa dạng hóa hình thức thể hiện. Giúp cho tác phẩm gần với trạng thái của sự tự do và tính tuyệt đối trong cổ thi [...] Cảnh, chính là đời sống như chúng ta đang sống, xảy ra trước mắt và dần trôi qua. Nhưng cuộc đời cũng tựa như một giấc mộng dài với muôn vàn cảnh/ mộng - hư/ thực”.

Nghệ thuật là một cách giúp tôi kết nối giữa lịch sử, thời gian và kí ức, xuyên qua từng lớp không gian và thời gian, cảnh vật khác nhau, để tìm thấy và soi chiếu lại chính bản thân mình”.

*Trích nội dung bài viết “Trừu tượng hóa phong cảnh trong Cảnh Mộng của Hà Mạnh Thắng” bởi Dương Mạnh Hùng.

--------------------------------------------

Về nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng

Tác phẩm của Hà Mạnh Thắng là một tập thơ thiền về thời gian, ký ức và không gian. Những bức tranh của anh kể với người xem về chánh niệm và những thăng trầm trong cuộc sống. Nhìn qua với một lời trữ tình thầm lặng được ảnh hưởng bởi những sở thích của Mạnh Thắng về nhạc Jazz cổ điển và thi ca Á Đông, và được truyền cảm hứng nhiều như tình cờ gặp phải những điểm khởi đầu của một khái niệm phức tạp, những bức tranh của anh, theo ngôn ngữ của họa sĩ, cố gắng hiểu rõ hơn về mối quan hệ với thiên nhiên, và để thể hiện những gì người ta không thể nắm bắt. Sinh năm 1980 tại tỉnh Thái Nguyên, Hà Mạnh Thắng là một trong những họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Mạnh Thắng đã từng được giới thiệu bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Gerhard Richter, Marlene Dumas và Peter Doig trong một vài ấn phẩm quốc tế bao gồm "Painting Now" (Thames and Hudson, 2015) và "Painting Today" (Phaidon, 2009).

Anh cũng đã tổ chức một số triển lãm tranh đang chú ý trong khu vực và quốc tế, bao gồm Shared Inspiration, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc; Pueblos en Resistencia, 1 Bienal del Sur, Caracas, Venezuela; Instruments of Meditation: Works of Art thuộc BST Zoltán Bodnár, Cung Điện Reök, Budapest, Hungary; Connect: Kunstzene Vietnam, ifa Galleries, Berlin và Stuttgart, Đức; The rain and the small stream do chương trình Ernst & Young's Asean Art Outreach tổ chức tại Singapore; và Post-Doi Moi: Nghệ thuật Việt Nam sau 1990, Singapore Art Museum. Những tác phẩm của Hà Mạnh Thắng được sưu tầm trong các bộ sưu tập nghệ thuật công cộng và tư nhân khắp thế giới bao gồm National Art Museum tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Singapore Art Museum tại Singapore; bộ sưu tập nghệ thuật của Post-Vi Dai, Geneva, Thụy Sĩ và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam; và ĐH Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT), Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Việt Nam.

Hà Mạnh Thắng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Thông tin triển lãm tại: TRIỂN LÃM TRANH CÁ NH N HỌA SĨ HÀ MẠNH THẮNG “CẢNH MỘNG”

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư