Đây là triển lãm tranh cá nhân lần thứ 4 của họa sĩ Phạm Thanh Toàn, song lần này, chính họa sĩ là người tự tổ chức. Lần đầu tiên, người dân thành phố Hồ Chí Minh và du khách có cơ hội thưởng thức và chiêm nghiệm khái niệm “không gian giác” giữa nghệ thuật và không gian hoài niệm cổ xưa, trong tòa nhà kiến trúc thuộc địa từ thế kỷ 19 tại số 29-31 Tôn Thất Thiệp, TP.HCM. Sự kiện mở cửa tự do.
"Không gian khác" phản ánh trí tưởng tượng của người họa sĩ về một tam giác giả tưởng hình thành xã hội loài người là tâm linh, tình yêu, các tác động xã hội… Trục xương sống để Phạm Thanh Toàn làm nên các tác phẩm trong những năm gần đây là cách nhìn một xã hội loài người được hình thành bởi 3 yếu tố chính tạo nên một tam giác vững chắc. Tại đó, trong những bối cảnh cực rộng trên những kích thước cực lớn của tác phẩm nghệ thuật, tầng tầng lớp lớp nhân vật, dồn dập chuyển biến, hiện thân nóng bỏng của những lát cắt cuộc sống.
"Không gian khác" là những bối cảnh rộng lớn trên những kích thước lớn. Trên bề mặt không gian rộng lớn này, “chủ thể xuyên suốt” chính là lăng kính của họa sĩ có hoài niệm về tinh hoa quá khứ, có lòng trắc ẩn, và đặc biệt, có tư tưởng tự do và hạnh phúc rất bản năng. Những cặp đôi trong tranh Toàn không được vẽ đầu. Tình yêu đi từ con tim, cần đầu làm gì. Hay người phụ nữ trần truồng nhìn đờ đẫn, chán đời nhưng vẫn nắm trong tay vật gì đó của đức tin để bám víu và hy vọng. Có quạ và ngựa giấy thì sẽ có cầu vồng. Chết không phải là kết thúc mà là bắt đầu của sự tái sinh, của sự sống mới. Những chân lý cũ xưa được diễn giải bằng nội lực của trí tưởng tượng và tư duy nghệ thuật mới: Xung đột và phản biện tạo ra sự phát triển. Kết quả khác sẽ tạo ra thế giới khác.
(Poster sự kiện, nguồn ảnh từ trang sự kiện)
Hoán đổi thực hành tranh sơn mài và tranh sơn dầu, tư duy đối ngẫu lặp lại trong các cảnh trí lấp lánh, lung linh, huyền ảo cũng chính là ám ảnh của người họa sĩ về âm - dương, sự sống - cái chết - luân hồi, khát vọng tự do, trò chơi vương quyền, sự phản biện mới - cũ, hôn nhân, vị trí người phụ nữ… Tranh của Toàn, dù choáng ngợp nhưng không khó hiểu, nhất là khi tầng tầng lớp lớp các lát cắt cuộc sống đó được thể hiện bằng thủ pháp đơn thuần. Không lớp lang. Không kỹ thuật cao siêu. Không có sự lấp liếm màu sắc. Có chăng là sự lung linh, huyền ảo, sang trọng với hiệu ứng âm bản giữa các lớp màu, không khỏi khiến liên tưởng đến tinh thần của sơn mài. Rất rõ ràng, Toàn đã không bỏ qua ưu thế xuất thân bài bản từ tranh sơn mài của mình. Tính đồ họa đã được tận dụng tinh tế vào bố cục lọc hình và dựng hình cho bối cảnh bao la, rộng lớn, dày đặc nhân vật của hội họa biểu hình (figurative) trên “mặt phẳng” Không Gian Khác.
“KHÔNG GIAN KHÁC” sẽ trưng bày 10 tác phẩm tranh sơn dầu khổ lớn và 1 tác phẩm điêu khắc, nối dài sự huyễn tưởng của Toàn về thế giới mà chỉ mình họa sĩ biết, người tương tác với nó biết.
Triển lãm mở cửa tự do cho công chúng (không thu phí): từ 21/05 – 28/05/2023
Thời gian: 10:00 – 19:30 hàng ngày (Riêng thứ 6 ngày 26/05/20023, đóng cửa buổi chiều, từ 13:00)
Địa điểm: P'artie, 29-31 Tôn Thất Thiệp, Quận 1, TP.HCM (Lầu 1)
Thông tin sự kiện tại: TRIỂN LÃM CÁ NHÂN PHẠM THANH TOÀN “KHÔNG GIAN KHÁC” - TAM GIÁC HÌNH THÀNH XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI