Từ ngày 7/12 đến 20/12/2023, KTS Vũ Hiệp tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại The Muse Artspace, 47 Tràng Tiền, giới thiệu 33 bức tranh lụa với các đề tài nhân vật, tĩnh vật, con vật. Triển lãm thu hút đông đảo người yêu mến mỹ thuật đến xem.
Vũ Hiệp thuộc trong số ít người vẽ, ngày nay, khởi đầu nghiệp vẽ trực tiếp từ tranh lụa, lại càng ít hơn khi người vẽ ấy là một họa sĩ tự đào tạo.
Là một kiến trúc sư (nghề nghiệp chính thức của Vũ Hiệp), anh hay đưa vào tranh những khung cốt, không phải khung cốt của kiến trúc hiện đại, mà là những khung cốt gỗ, hơi cổ kính, được lai tạo từ truyền thống Việt Nam với phương Tây, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, trên đó đặt những “thực thể sống” mà anh gọi là “biến tượng”. Đó dường như là sự nhào nặn thế giới biểu tượng với văn hóa dân gian Việt Nam và nghệ thuật trang trí truyền thống Á Đông, khá phù hợp với ngôn ngữ của tranh lụa.
Không hề ngẫu nhiên, Vũ Hiệp dường như đã thốt ra một giọng nói “tân kỳ”, như theo một lối “cổ phong”, được rút ra từ những kho tàng tạo hình và thi ca tưởng như “cổ lỗ” nhất, làm gợi nhớ đến những con đường sáng tạo tìm đến những vùng hết sức xa xôi và hoang dã của một số họa sĩ hiện đại và đương đại khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ.
“Thực thể sống” được gọi là “biến tượng” trong tranh của KTS Vũ Hiệp
Nghệ thuật vẽ tranh lụa không chỉ cần những kỹ thuật, kỹ năng khá riêng biệt, mà quan trọng hơn, nó đòi hỏi một hệ thống tư tưởng và quan niệm gắn liền với nó. Cho dù đã xuất hiện cách đây mấy ngàn năm, nhưng tranh lụa vẫn còn ẩn chứa trong nó nhiều bí ẩn cũng như tiềm năng. Về căn bản, lụa ở vị trí trung gian giữa hội họa và đồ họa, nơi con người có thể biểu hiện những triết lý sâu xa nhất thông qua những hình tượng thường là gần gũi trong sự tinh khiết, không bợn vật chất; ngả về chủ quan hơn là khách quan, mang nặng tính duy thức
Trùm truyền thông - Tranh lụa gửi gắm triết lý sâu xa trong triển lãm của KTS Vũ Hiệp
Vũ Hiệp vốn được biết đến như là một nhà nghiên cứu kiến trúc, mỹ thuật. Anh đã viết một số cuốn sách lý luận về nghệ thuật, đã được xuất bản và đã được đánh giá cao. Về mặt nào đó, anh là người “duy lý”, “vẽ từ ngọn”, và lẽ đương nhiên, người xem có thể thấy rõ chất duy lý ấy trên tranh của anh. Vẻ độc đáo, hay nói chính xác hơn, cái lạ ở tranh lụa Vũ Hiệp, không còn mấy nghi ngờ, có lẽ đã hình thành từ tất cả những yếu tố kể trên.
“Vũ điệu mùa dịch” - Vẻ độc đáo trong tranh của KTS Vũ Hiệp
Trong các cuốn sách lý luận nghệ thuật của mình, Vũ Hiệp sử dụng nhiều tri thức dân gian. Và cũng chính dân gian đã góp phần quan trọng cho lối vẽ độc đáo của anh. Những truyện cổ, hay ca dao, tục ngữ, câu đố kiểu như “Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con vú quặt đằng sau”, “Có răng mà chẳng có mồm, nhai cỏ nhồm nhồm cơm chẳng chịu ăn”, “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”, “Mẹ tròn con vuông”, “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”… thông qua một trực giác tạo hình tinh tế, đã gợi ra những hình thể thú vị, lạ mà quen.
Trong lúc nhiều họa sĩ trẻ vẽ lụa hiện nay đang mải mê vờn tỉa những hình ảnh trau chuốt, gây hiệu quả “hút hồn” người xem, thì lại có một người vẽ khác đang nỗ lực tìm kiếm những tiếng vọng xa xăm, từ bản thân mình hơn là từ bên ngoài, cô độc, quả cảm, bất chấp rủi ro. Với lụa, sự lựa chọn của Vũ Hiệp rất đáng để trông đợi - nó đồng bộ với con người anh, kiến thức của anh, tầm nhìn văn hóa của anh - đó là một sự lựa chọn lãng mạn và đầy triển vọng, bằng một tính độc lập tương đối về mỹ học của nó.
Quang Việt
Nguồn: Tranh lụa Vũ Hiệp với cảm thức dân gian đương đại (kienviet.net)