Tranh lụa “Cung oán ngâm khúc” của tác giả Vũ Hiệp được lấy ý từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều (thế kỷ 18). Cung oán ngâm khúc là khúc ca ai oán của người cung nữ dưới chế độ phong kiến khi phẩm giá, thanh xuân, phẩm giá và những tình cảm trong sáng của người phụ nữ bị chà đạp phũ phàng, vùi dập trong cung đình. Tác giả Vũ Hiệp đã tái hiện lại những trạng thái đó bằng hình tượng nghệ thuật mang tính chất siêu thực, trào phúng và ngoa dụ. Nhưng tất cả cho thấy một sự cảm thông sâu sắc và đề cao người phụ nữ trong các tác phẩm nghệ thuật của anh.
Tranh Vũ Hiệp đặc trưng với tính phồn thực và phụ nữ là đề tài lớn chiếm phần nhiều các tác phẩm của anh. Suốt chiều dài lịch sử tạo hình, chưa bao giờ hình tượng phụ nữ lại trở nên hoang dại, mạnh mẽ và siêu thực như thế. Vũ Hiệp dường như đặt nhiều công sức để xây dựng hình tượng người phụ nữ trong thế giới tưởng tượng của anh. Họ trong nhiều trạng thái. Từ những hình ảnh thường nhật xuề xòa nhất như trong “Mẹ và con”, “Mang bầu”, “Mẹ mướp” đến những hoạt động đa dạng và phức tạp như trong “Phụ nữ trèo”, “Giấc mộng đêm hè”, “Vinh quang”, “Cứu chuộc”, “Thiền định”, “Đấu vật”… hay trong thế giới tưởng tượng kỳ thú của họa sĩ về những “Chị Hằng”, “Cung oán ngâm khúc”, “Mẹ âu cơ”, Vũ điệu buồn”, người phụ nữ vẫn mang theo “gánh” vú dài loằng ngoằng. Vừa hài hước, vừa ai oán, nhưng cuối cùng đều được thu vén chu đáo. Phụ nữ trong tranh Vũ Hiệp mang một vẻ rất nhanh nhẹn. Cơ thể dài thườn thượt, nhưng được tạo hình khúc chiết, tinh anh, điệu bộ thoăn thoắt, chẳng kém gì nam giới trong đủ các trạng thái nỗ lực, mà có vẻ như đó là cách thức để tồn tại - khi Vũ Hiệp lột tả họ trong bản năng hoang dã và nguyên thủy nhất.