Mõ là một bộ gõ (nhạc khí) rất quen thuộc ở những ngôi đình chùa làng quê Bắc Bộ nói riêng và trong Phật Giáo nói chung. Mõ thường được khắc hình con cá hoặc có nơi tạc luôn thành hình con cá để treo lên đánh (như đình làng Đường Lâm nay vẫn còn). Còn vì sao lại tạc hình con cá trên mõ? có nhiều tích ghi chép lại cả ở Việt Nam và Trung Quốc, nhưng tựu trung, vì con cá ngày đêm mắt đều không nhắm, nên người xuất gia mượn hình tượng cá để biểu thị sự tinh tấn, không dám lười biếng, còn đại chúng thì luôn nhớ cảnh tỉnh. Ở đây, tác giả mượn ý nghĩa của cá mõ nhưng mang đến cho nó một diện mạo mới với miệng hình loa phát thanh. Con cá trở nên hiện đại, đầy ý tứ mà vẫn giữ được vẻ lãng mạn của hội họa trong một không gian mơ hồ và chuyển sắc tinh tế.
Con vật là đề tài thứ hai mang đậm chất phồn thực và hài hước trong tranh lụa của họa sĩ Vũ Hiệp. Ý tứ xây dựng nên hình ảnh kỳ lạ của các con vật được tác giả lấy cảm hứng từ ca dao, tục ngữ, truyền thuyết Việt Nam cùng với những hàm ý ẩn dụ. Chúng được hư cấu trong không gian kỳ ảo của lụa, thấp thoáng bóng dáng kiến trúc gỗ Việt Nam truyền thống. Với màu sắc u hoài và tạo hình siêu thực, các con vật như ở một thế giới nguyên thủy.