“Bà chúa” là một từ trong dân gian Việt Nam chỉ một người đàn bà tài giỏi. Có lẽ xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẫu và truyền thống nữ tướng đánh giặc mà dân ta có tôn vinh hình tượng người phụ nữ tài giỏi như thế. Trong hát chèo cổ có “Bà chúa con cua”, rồi đền Bà Chúa Kho, hay thi sĩ Hồ Xuân Hương được vinh danh là Bà chúa thơ Nôm…và Vũ Hiệp có “Bà chúa luồng”. Luồng trong từ Thuồng luồng lại là một con vật thủy quái hư cấu trong truyện dân gian cổ của người Việt Nam. Bà chúa Luồng mang tính âm, mặt trời mang tính dương. Ở đây, tác giả đưa ra hình ảnh bà chúa luồng ngậm mặt trời đề cao sức mạnh của nữ tính.
Con vật là đề tài thứ hai mang đậm chất phồn thực và hài hước trong tranh lụa của họa sĩ Vũ Hiệp. Ý tứ xây dựng nên hình ảnh kỳ lạ của các con vật được tác giả lấy cảm hứng từ ca dao, tục ngữ, truyền thuyết Việt Nam cùng với những hàm ý ẩn dụ. Chúng được hư cấu trong không gian kỳ ảo của lụa, thấp thoáng bóng dáng kiến trúc gỗ Việt Nam truyền thống. Với màu sắc u hoài và tạo hình siêu thực, các con vật như ở một thế giới nguyên thủy.