Năm 2007, sau khi hoàn thành hệ Đại học ngành điêu khắc tại trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (mất 10 năm học hành cả trong trường lẫn ngoài đời), Trần Trọng Tri mới thực sự bước vào sự nghiệp sáng tác. Ngay trong năm 2009, với hai cụm điêu khắc đá lớn tại hai đầu đất nước – Trại sáng tác quốc tế Phú Thọ và Trại sáng tác điêu khắc Hậu Giang, tác giả đã xác định rõ con đường sáng tác lâu dài của mình. Anh quan tâm tới những chủ đề lớn là đất nước – Tổ quốc, bắt đầu từ huyền thuyết, cộng với chiêm nghiệm cá nhân hiện tại. Ví dụ, nếu tác phẩm Con đường lông ngỗng đặt tại đền Hùng lấy cảm hứng từ huyền sử bi thảm dẫn tới sự vong quốc diệt tình Mỵ Châu- Trọng Thủy, thì tác phẩm Vết đạn đặt tại kênh Xà No, Hậu Giang lại lấy cảm quan từ việc chứng kiến những vết đạn bắn trên thân cây thời chiến vẫn còn ở những khu rừng miền Tây Nam Bộ…
Tác phẩm “Con đường lông ngỗng”, 2009. Đặt tại khu di tích Đền Hùng.
Năm 2012, Tri thực hiện một loạt tác phẩm đúc kim loại, dựa trên cảm xúc về hình tượng con thuyền Đông Sơn chở nước (đựng nước). Tác phẩm lớn nhất của loạt sáng tác này có kích thước 90x35cm (dày hơn 5cm) mang tên là Một chuyến đi.
Từ 2012 đến nay, quãng thời gian ba năm là quãng thời gian Trần Trọng Tri ấp ủ ý tưởng và sự chuẩn bị để cho ra mắt triển lãm cá nhân lớn đầu tiên của mình. Vẫn mang tên là Một chuyến đi (A Trip), nhưng không phải là gói trong một số đơn vị tượng tròn. Hành trình điêu khắc lần này vẫn được lập ý bằng cặp đối lập Thuyền– Nước, nhưng nó được triển khai thành cấu trúc không gian chiếm lĩnh cả hai phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật, có thể gọi là điêu khắc không gian hay nghệ thuật sắp đặt cũng được. Cặp hình tượng Thuyền– Nước được diễn dịch qua một loạt hình con thuyền được tác giả làm bằng nhiều chất liệu: gỗ, tre, mùn cưa, inox, composit (chiếc lớn nhất dài 15m). Dường như tác giả có mong muốn khái quát, ước lệ hành trình vận động của cả dân tộc từ chiều sâu lịch sử – một dân tộc trân trọng gọi tổ quốc mình là Nước! Có những con thuyền như ngọc đỏ trong cổ tích, trong huyền thoại. Có những con thuyền “lá tre”, bằng nan, phên nứa tạm bợ nhưng đã đưa người mở đất “dắt dìu nhau vào tới Cà Mau”. Rồi những đại chiến thuyền vượt biển, đánh dấu cương thổ quốc gia, còn lưu sự tích anh hùng… Có cả những con thuyền ta chỉ dùng đến khi cần thoát thân, hay cứu mạng, nhưng sao trớ trêu thay, khi sờ đến thì lòng thuyền mủn nát, hoặc đơn giản chỉ là không có mái chèo… Hình tượng Nước (hay Đất và Nước nói chung) thì trừu tượng, phi hình thể nhưng lẩn quất bao trùm hơn, cũng được tác giả dày công tìm cách chuyển tải cô đọng bằng điêu khắc, sẽ gây tò mò với những nhận thức đột khởi hết sức thú vị…
Tác phẩm “Vết đạn”, 2009. Đặt tại kênh Xà No, thị trấn Vị Thanh, Hậu Giang
Thuyền và nước là những vật thể rất gần gũi, đầy ý nghĩa. Nó chứa đựng, chuyên chở, gợi mở những điều lớn lao về tình yêu, về sự chìm nổi, sự sinh tồn, về niềm tin và hy vọng…”
Trong thời đại mà bản đồng ca các âm, giọng đa số hòa nhau nỉ non kể chuyện cá nhân… một tiếng nói tự sự nghệ thuật, phát xuất từ trái tim (chứ không phải từ sự kích ứng của truyền thôg hay từ sự phức tạp lâu dài hay bột phát của bối cảnh chính trị) đề cập những cảm hứng lớn lao về đất nước về dân tộc, quả thật hiếm quá, làm ta phải sững sờ!
Loạt tác phẩm chuẩn bị cho triển lãm”Một chuyến đi”2015 tại xưởng sáng tác.
Thuyền lớn nhất dài 15m
Một chuyến đi – Thuyền số 3
Thuyền cổ tích Âu Cơ
Nguồn: http://soi.today/?p=170811