Phòng trưng bày nghệ thuật Osoyoos đã tổ chức chương trình nghệ thuật thường niên của Liên đoàn nghệ sĩ Canada (FCA), Khu vực Nam Okanagan Similkameen, có tựa đề “Beauty is In” (Vẻ đẹp có ở nơi đây) với sự góp mặt của 21 nghệ sĩ, tác giả của 46 bức tranh đã đảm bảo được những yêu cầu nghiêm ngặt để được chấp nhận tham gia cuộc thi nghệ thuật này.
(Phòng trưng bày nghệ thuật Osoyoos. Ảnh: timeschronicle.ca)
Hài lòng với số lượng hoạ sĩ và bài dự thi, Giám đốc chương trình Mike Jordan cho biết: “Đây luôn là một sân chơi được nghệ sĩ tích cực đón nhận”.
Giải nhất của năm nay thuộc về Nancy Gray, Mike Jordan đứng thứ hai và Claudia Punter ở vị trí thứ ba. Ba giải thưởng danh dự thuộc về Diane Bennett-Way, Maureen Potter và Carollyne Sinclaire.
(Nancy Gray (bên trái) và Mike Jordan. Ảnh: timeschronicle.ca)
Hoạ sĩ Jordan cho biết chương trình có sự tham gia của ba giám khảo FCA được lựa chọn từ vài trăm thành viên cấp cao để thực hiện một quy trình đánh giá đặc biệt không được gặp mặt hoạ sĩ.
Các giám khảo nhận được những bức ảnh kỹ thuật số và kích thước của các bức tranh, ngoài ra không có thêm thông tin nào khác.
Hoạ sĩ Jordan nói: “Các giám khảo không biết hoạ sĩ là ai, trừ khi họ dành thời gian để cố gắng phân biệt chữ ký ở dưới cùng của bức tranh. Vì vậy, đó là một quá trình chỉ có cảm xúc với tranh sẽ chi phối tất cả chứ không phải là những thiện cảm cá nhân với hoạ sĩ. Việc đánh giá nghệ thuật không bao giờ có thể thực sự khách quan được cả.”
Mỗi người trong số ba vị giám khảo sẽ chấm điểm các bức tranh theo thang điểm bảy, sau đó họ lấy điểm trung bình rồi xếp hạng các bức tranh. “Luôn luôn có những mối ràng buộc,” hoạ sĩ Jordan nói, “vì vậy nhiệm vụ của họ là phải tìm ra những mối ràng buộc ấy là gì.
Và khi đánh giá bức tranh giành vị trí thứ hai có tựa đề “The Back Pasture” (Đồng cỏ phía đằng sau), hoạ sĩ Jordan nói: “Tôi không biết tại sao các giám khảo lại thích bức tranh này”. Bản thân bức tranh vẽ một khung cảnh đồng quê, nơi đó có đồng cỏ sau nhà hoạ sĩ khi ông còn sinh sống ở Langley. “Đó là đồng cỏ phía sau nhà của chúng tôi. Đó là đàn bò của chúng tôi,” ông Jordan nói.
(Bức tranh đạt giải nhì có tên “The back pasture” của Mike Jordan. Ảnh: timechronicle.ca)
“Tôi đã thực hiện bức tranh này kiểu như một bản phác thảo ngoài trời. Bản phác thảo đó cứ nằm đó trong tầng hầm của tôi trong một thời gian rất dài. Một ngày nọ, tôi lấy bức phác thảo đó ra và nghĩ ‘à, đây có thể là một bức tranh đấy”.
Vì vậy, tôi quay trở lại để làm lại bức phác thảo này một chút. Tôi thêm cái ao ở bên phải và làm cho bụi cây trông có vẻ đầy đặn hơn cho tới khi tôi thấy ổn.
“Có một con đường dẫn bạn vào trong bức tranh.” Hoạ sĩ Jordan lưu ý rằng đó là một thủ thuật cũ giúp thu hút tầm nhìn của người xem vào một tác phẩm nghệ thuật.
“Vì vậy, nói về khía cạnh thủ thuật, tôi thấy có lẽ đây là một bản phác thảo có bố cục hợp lý. Và như tôi đã nói, đối với tôi đây không phải là một bức tranh thực sự xuất sắc. Rõ ràng các giám khảo lại cảm thấy khác.
Đối với Claudia Punter, thế giới thiên nhiên nơi có ngôi nhà và khoảng sân của hoạ sĩ ở đó, nằm trên núi Anarchist, là nguồn gốc biểu hiện thường trực của vẻ đẹp tự nhiên.
Đối với tác phẩm của hoạ sĩ có tựa đề “Daily Life in Wintertime” (Cuộc sống thường nhật những ngày mùa đông), Punter cho biết hoạ sĩ đã đưa một số hình ảnh về những chú nai mà hoạ sĩ đã chụp vào trong bức tranh.
(Bức tranh “Daily life in wintertime” đạt giải ba do hoạ sĩ Claudia Punter sáng tác. Ảnh: timeschronicle.ca)
Một số chú nai đang nhìn lên trên, nhưng chúng ta không biết chúng đang nhìn vào gì. Hoạ sĩ Punter nói thêm: “Đó có thể là một con quạ hoặc một con đại bàng, nhưng tôi cũng không biết đó là gì và tôi nghĩ điều này khiến bức tranh trở nên sống động hơn”.
Trước đó, khi có nhiều tuyết, hoạ sĩ Punter cho biết mình thường thấy những chú hươu đang đào bới tìm cỏ để ăn. “Tôi chỉ thể hiện thiên nhiên, để cho khán giả thấy thiên nhiên hoạt động như thế nào,” Punter nói về bức tranh của mình.
(Claudia Punter (trái) cùng Mike Jordan. Ảnh: timeschronicle.ca)
Và đối với người đoạt giải nhất Nancy Gray, cuộc sống không phải là một hộp sô-cô-la, mà là một bát đầy những quả cherry ngon cho chúng ta thưởng thức.
(Tác phẩm đạt giải nhất có tựa đề “Rinsed and ready” của hoạ sĩ Nancy Gray. Ảnh: timeschronicle.ca)
Khi được hỏi nguồn cảm hứng cho bức tranh có tựa đề “Rinsed and ready” (Rửa sạch và sẵn sàng) là gì, câu trả lời cả hoạ sĩ Gray rất đơn giản: Cherry là loại trái cây yêu thích của hoạ sĩ. “Tôi vừa mua một chùm quả cherry và cho chúng vào bồn rửa. Giây phút đó tôi quyết định rằng đây có thể là một bức tranh đẹp,” Punter cười.
Được vẽ bằng màu acrylic, những quả cherry chắc chắn gây ra cảm giác chảy nước miếng thèm thuồng không thể kiểm soát, khi những trái cây đỏ mọng lấp lánh như đang rơi xuống trên tấm toan đã được đóng khung gọn gàng.
Hoạ sĩ Gray thường vẽ acrylic và màu nước theo mọi phong cách bao gồm tĩnh vật, phong cảnh và một chút trừu tượng.
Buổi trưng bày “Beauty is In” được diễn ra đến hết ngày 23 tháng 3.
Biên dịch: Huyền Trịnh
Nguồn: https://www.timeschronicle.ca/life-is-like-a-bowl-full-of-cherries-at-the-osoyoos-art-gallery/