Adenrele Sonariwo đã mở phòng trưng bày nghệ thuật Rele ở Nigeria, Los Angeles, và bây giờ là Mayfair, để giới thiệu những nghệ sĩ châu Phi xuất sắc nhất tới khán giả quốc tế.
(Almajiri phần 2. Bức tranh được sáng tác bởi nghệ sĩ Peju Alatise và trưng bày tại phòng triển lãm nghệ thuật Rele ở London. Ảnh: the guardian.com)
Nhà trưng bày nghệ thuật người Nigeria gốc Hoa Kỳ Adenrele Sonariwo mới bốn tuổi khi một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm 1990 khiến gia đình Sonariwo phải chuyển đến Châu Phi: cha cô kế thừa vai trò của một người cai trị truyền thống Yoruba ở tây nam Nigeria.
“Tên tôi, Adenrele, có nghĩa là ‘vương miện đang trở về nhà’,” Sonariwo, 37 tuổi, người đã mở phòng trưng bày nghệ thuật Rele ở Mayfair, London, vào tháng trước, tự giới thiệu về bản thân mình.
(Adenrele Sonariwo cho biết nguồn cảm hứng lớn nhất với cô chính là những nghệ sĩ cô từng có cơ hội cộng tác. Ảnh: theguardian.com)
Sonariwo, người được vinh danh là một trong 100 người châu Phi có ảnh hưởng nhất năm 2022 trên tạp chí New African, nhớ lại việc tham gia lễ hội đăng quang và đi bộ trong một đám rước dài trước khi cha cô nhận vương miện, luân phiên giữa một số nhà cầm quyền.
“Thật sự là quá hào hoa và hoành tráng. Hàng ngày, tôi đến trường rồi về nhà mà lúc nào cũng thấy là luôn có hoạt động này hay hoạt động khác trong và xung quanh cung điện,” Sonariwo nói.
“Có rất nhiều các chương trình sự kiện, các sân khấu liên tục được xây dựng, có kịch, âm nhạc, ẩm thực, thời trang. Tất cả giúp cho tôi hiểu được đến ngọn ngành sâu xa của văn hoá và truyền thống”.
Văn hóa Yoruba rất phức tạp, Sonariwo nói. “Cha tôi là người cai trị truyền thống của hơn 32 thị trấn trong 26 năm và thậm chí văn hóa giữa các thị trấn đó cũng khác nhau”.
Sonariwo gần đây đã phát hiện ra rằng Oríkì, một bài hát thơ được cô tặng cho trẻ em Yoruba, cũng giống như bài hát được trao cho Peju Alatise, nghệ sĩ người Nigeria đã có những tác phẩm nghệ thuật được triển lãm khai mạc phòng trưng bày mới ở London.
“Alatise đề cập trong tác phẩm của nghệ sĩ và trong quá trình lên kế hoạch cho buổi biểu diễn, tôi nhận ra rằng chúng tôi có chung Oríkì,” Sonariwo nói. “Chúng tôi thậm chí không ở cùng một thị trấn, nhưng rõ ràng vẫn có sự kết nối với nhau. Có rất nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt”.
Văn hóa Yoruba cũng đã vượt qua biên giới. Sonariwo nói: “Tôi đã đến một nhà hàng ở Anh – Chishuru – và tôi khá vui khi thấy một trong những món Sagamu địa phương yêu thích của mình có trong thực đơn. Tháng trước, người sáng lập và bếp trưởng của Chishuru, Adejoké Bakare, đã trở thành nữ đầu bếp da đen đầu tiên của Vương quốc Anh nhận được sao Michelin”.
Sonariwo quay trở lại Mỹ để học đại học ở tuổi 15, trước khi quay trở lại Nigeria và thành lập phòng trưng bày nghệ thuật Rele đầu tiên ở Lagos vào năm 2015. Một năm sau, cô thành lập một quỹ nghệ thuật và có một chương trình thành công dành cho các nghệ sĩ mới nổi mang tên The Young Contemporaries.
Nói về việc mở phòng trưng bày ở Mayfair, Sonariwo chia sẻ: “Đã gần 10 năm kể từ khi chúng tôi mở cửa ở Lagos và trong khi các nghệ sĩ của chúng tôi đang được công nhận ở địa phương, tôi cảm thấy như những nghệ sĩ này có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của nghệ thuật và từ việc các tác phẩm của họ được trưng bày trên phạm vi quốc tế”.
Năm 2017, Sonariwo là người phụ trách chính của gian hàng Nigeria đầu tiên tại Venice Biennale. Cô nói rằng việc quốc gia châu Phi này không có đại diện tại biennale “đối với tôi là một vấn đề”. Alatise là một trong ba nghệ sĩ Nigeria được Sonariwo chọn giới thiệu ở gian hàng.
Buổi trưng bày của Alatise tại Phòng trưng bày nghệ thuật Rele ở London, có tên gọi “We came With The Last Rain” (Chúng tôi đến cùng với cơn mưa cuối cùng), là một cuộc khám phá văn hóa dân gian và thần thoại Yoruba. Các tác phẩm của nghệ sĩ Alatise xoay quanh những câu chuyện về mưa và sự sinh sôi nảy nở. Alatise nói: “Một loại mưa cụ thể có thể khiến mọi thứ phát triển. Oya là một vị thần liên quan đến mưa, đảm bảo cho sự sinh sôi nảy nở”. Một tác phẩm, Flying Girls (Cô gái bay), kể câu chuyện về Sim, một bé hầu gái chín tuổi đang vượt qua những thử thách của Lagos của thời hiện đại.
(Một phần của tác phẩm “We came with the last rain” tại phòng trưng bày nghệ thuật Rele tại London. Ảnh: theguardian.com)
Sonariwo cho biết, việc mở một không gian triển lãm rộng 3.000 m2 có hai tầng ở London đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với phòng trưng bày nghệ thuật, vốn cũng có một không gian ở Los Angeles.
Rất ít phụ nữ châu Phi đã thành lập các phòng trưng bày nghệ thuật được trên cả ba châu lục. Sonariwo nói: “Việc có một phòng trưng bày có nguồn gốc từ Nigeria, với các địa điểm ở hai lục địa khác tự nó đã là một yếu tố thay đổi câu chuyện này rồi. Việc mở rộng hoạt động của phòng trưng bày nghệ thuật cho thấy những gì chúng tôi có thể làm và có thể đạt được, cho phép chúng tôi có thể kể những câu chuyện đa dạng, toàn diện mà không bị bó buộc trong những câu chuyện đơn lẻ chỉ về những gì người ta nhìn nhận ở Châu Phi.
(Tác phẩm khác của Alatise có tên gọi “When the rain stops, I’ll send for you”. Ảnh: theguardian.com)
Sonariwo nói thêm: “Nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi là những nghệ sĩ mà tôi đã có cơ hội cùng làm việc. Thực tế là một số người trong số họ đến từ những nơi có thu nhập rất thấp và có thể thấy rằng, thông qua nghệ thuật của mình, họ có thể thay đổi hướng đi của cả một thế hệ mình. Đó là điều quan trọng nhất với tôi”.
Là một trong 17 anh chị em, cuộc sống gia đình đã dạy Sonariwo “rất nhiều điều về ngoại giao, về chính trị”, những kỹ năng mà cô cần tới khi thực hiện vai trò hiện tại của mình.
“Bạn phải học cách điều hướng cảm xúc và tính cách của mọi người. Kỹ năng đó sẽ dạy cho bạn rất nhiều điều về chính bản thân bạn. Tôi rất thích việc kỹ năng này đã giúp định hướng cuộc sống của tôi cho tới thời điểm hiện tại”.
Biên dịch: Huyền Trịnh