Tiếp nối những công trình nghiên cứu trước đây như “Tinh thần khai phóng của nghệ thuật”, “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật”, “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền”..., mới đây, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp lại cho ra mắt tác phẩm “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”. Với cuốn sách này, Vũ Hiệp đã góp thêm một tiếng nói cho ngành lý luận, phê bình nghệ thuật nước nhà.
- Thưa nhà nghiên cứu Vũ Hiệp, sau cuốn sách “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền”, điều gì thôi thúc anh để viết tiếp “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”?
- Cuốn sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” có sự tiếp nối và hoàn thiện các ý tưởng từ những cuốn sách trước mà tôi chưa thể nói hết được. Với những cuốn sách đã viết, việc nhận diện nền nghệ thuật Việt Nam được nhìn nhận chủ yếu theo hướng coi bản sắc được định hình, vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác như một sức mạnh nội sinh, tự nhiên. Nhưng trong cuốn sách này tôi bổ sung một ý nữa, đó là bản sắc một nền nghệ thuật có thể được tạo ra từ ý chí mang tính kiến tạo, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ với chính trị - xã hội.
“Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” tiếp cận nghệ thuật dưới góc độ xã hội học và tâm lý học, bàn về tính tập thể trong nghệ thuật và phương thức nhận diện một nền nghệ thuật. Tôi đề xuất “Tam giác kiến tạo” gồm 3 yếu tố: Cá tính tập thể, Tự sự cộng đồng và Huyền thoại.
- Tôi nghĩ sẽ khá nhọc nhằn và cũng rất chủ quan khi anh dám đối diện với câu hỏi về sự kiến tạo của một nền nghệ thuật và gói gọn trong một cuốn sách?
- Hướng tiếp cận nghệ thuật của tôi về cơ bản và trên hết là liên ngành. Bản thân là một kiến trúc sư, nhưng tôi cho rằng kiến trúc luôn có mối liên hệ với hội họa, điện ảnh, văn học, âm nhạc... trong một cấu trúc nhận thức chung về cái đẹp. Tiếp cận liên ngành mở ra cho tôi nhiều ý tưởng mới. Tuy nhiên, bởi vì triển khai trên quy mô rộng, với nhiều khái niệm mới nên tôi chưa thể đi sâu cặn kẽ mọi vấn đề, dù có những vấn đề đã được mổ xẻ rất tỉ mỉ. Có lẽ, trong những cuốn sách tiếp theo, tôi sẽ lựa chọn phạm vi nghiên cứu hẹp hơn với ngôn ngữ bình dân hơn. Ví dụ, tôi đang dự định viết một cuốn sách về kiến trúc hiện đại Việt Nam, trong đó đề cập sâu hơn về yếu tố tự sự cộng đồng, phục vụ cho độc giả đại chúng.
- Có vẻ như anh đang bước sang chặng thứ hai trong con đường viết lách của mình?
- Có thể coi “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” như một tổng kết quá trình làm việc 10 năm vừa qua, trong đó phạm vi nghiên cứu đã được đẩy đến giới hạn lớn nhất: Các nền nghệ thuật. Cuốn sách cũng đã để ngỏ một số vấn đề để tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới, ví dụ như tự sự cộng đồng nghệ thuật Việt Nam theo hướng “Đông Nam Á tâm luận”.
Thời phong kiến, nghệ thuật Việt Nam được định vị theo hướng “Hoa tâm luận” (lấy Trung Quốc làm trung tâm), thế kỷ XX thì “dĩ Âu vi trung” (lấy phương Tây làm trung tâm). Bây giờ, đã đến lúc phải điều chỉnh, cụ thể là tôi đề xuất theo hướng “Đông Nam Á tâm luận”, nghĩa là định vị nghệ thuật Việt Nam trong không gian Đông Nam Á, hướng nghệ thuật Việt Nam tham gia sâu hơn vào khu vực ASEAN. Thay vì chạy theo các “cường quốc” xa xôi nào đấy thì hãy chủ động kiến tạo cùng các nước xung quanh chúng ta với sự tương đồng về địa lý, khí hậu, con người, địa chính trị... “Đông Nam Á tâm luận” vừa sức với chúng ta hơn và “thật” với chúng ta hơn.
- Vừa sức thì đương nhiên rồi, nhưng vì sao anh lại nói là “thật” với chúng ta hơn”?
- Thật tức là không “ảo” (cười). Mặc dù chúng ta định vị mình là một quốc gia Đông Nam Á nhưng nghệ thuật Việt Nam lại chưa liên kết chặt chẽ với các nước trong khu vực. Các nghệ sĩ vẫn “mơ mộng” mối quan hệ với các cường quốc nghệ thuật trên thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng có vẻ nó giống “tình đơn phương”, trao đi tình yêu nhưng nhận về sự xã giao.
Thay vào đó, chúng ta nên chủ động giao lưu nghệ thuật mạnh mẽ hơn với các nước Đông Nam Á, đề xuất các cơ chế khuyến khích, kiến tạo hệ giá trị văn hóa chung cho khu vực, song hành với định chế ASEAN. Xa hơn, cần có chiến lược xây dựng Việt Nam là một trung tâm nghệ thuật khu vực Đông Nam Á, nơi hội tụ các nghệ sĩ, nhà đầu tư, sàn đấu giá, hội chợ, tạp chí, giải thưởng văn học nghệ thuật khu vực, điều mà Singapore và một số nước khác đang nỗ lực thực hiện.
Dựa vào vị thế của Đông Nam Á với tư cách là một khu vực đang phát triển năng động, nghệ thuật Việt Nam dễ gây được chú ý hơn trên trường quốc tế trong sự đan xen với khu vực. Người xưa có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
- Trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Hiệp!
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nha-nghien-cuu-vu-hiep-xay-dung-viet-nam-thanh-trung-tam-nghe-thuat-khu-vuc-dong-nam-a-18021.html