Tại triển lãm “Một chuyến đi” của nhà điêu khắc Trần Trọng Tri, công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đã cảm nhận được một tiếng nói của trái tim và tâm hồn Việt khi đề cập đến những cảm hứng lớn lao của đất nước, thông qua những hình tượng quen thuộc như thuyền, nước, con đường…
Vấn đề cho nghệ thuật phải lớn hơn mình
“Một chuyến đi” là tác phẩm điêu khắc được anh sáng tác năm 2012, điều gì đã đưa cái tên này trở thành tên chung cho triển lãm?
- Tôi nghĩ cuộc đời con người, nhất là giới sáng tạo nghệ thuật thì luôn có những chuyến đi thường trực trong suy nghĩ và gần như ám ảnh suốt cuộc hành trình khám phá bản thân bằng trải nghiệm nghệ thuật. Từ một đứa con của ruộng đồng, tôi phải mất 10 năm học hành, cả trong trường lẫn ngoài đời, thì mới thực sự bước vào sự nghiệp sáng tác. Triển lãm lần đầu tiên này cũng lấy đi của tôi đến 3 năm cho việc ấp ủ ý tưởng, chuẩn bị, ra mắt… Tất cả là một chuyến đi với đủ cung bậc cảm xúc, sáng tạo và đổi thay cuộc sống.
Vì sao anh chọn những hình tượng như thuyền, nước, con đường?
- Đó là những hình tượng rất gần gũi nhưng lại vô cùng đa nghĩa khi chứa đựng, gợi mở ra những điều lớn lao về tình yêu, sự chìm nổi sinh tồn, niềm tin, hi vọng... Đó cũng là hình ảnh xuyên suốt những sáng tác gần đây của tôi.
Trong văn hóa - lịch sử của đất nước ta, có những con thuyền trong cổ tích, rồi đến thuyền nan đã đưa người mở đất “dắt dìu nhau đi tới Cà Mau”, đặc biệt là những đại chiến thuyền vượt biển đánh dấu cương thổ quốc gia. Còn nước là sự sống, là khởi nguyên cho những niềm khát khao, yêu thương và tận hiến. Ngoài hai hình tượng này, còn có con đường, hình ảnh đã hằn in trong trí nhớ tôi từ những ngày thơ ấu với từng dấu chân trên ruộng đất, đường làng. Khi những dấu chân cũ còn chưa mất đi thì lại tiếp tục chồng chéo nhiều dấu chân mới như sự đương nhiên, muôn thuở. Với tôi, có nhiều điều đã được lưu giữ trong không gian, thời gian từ những hình tượng quen thuộc. Và tất nhiên, tôi đã dùng những chất liệu quen thuộc để chuyển tải những ý tưởng, suy nghĩ không hề “quê mùa” chút nào.
Đó là văn hóa, lịch sử của đất nước, một chủ đề lớn luôn trở thách thức với người sáng tạo nghệ thuật?
- Đúng vậy! Nhưng ngay khi bắt đầu sáng tác, tôi đã quan niệm việc đặt vấn đề cho nghệ thuật phải lớn hơn mình, phải vượt qua sự ích kỉ, bé nhỏ của bản thân. Tôi đã bắt đầu câu chuyện này từ truyền thuyết dân tộc cộng với chiêm nghiệm của cá nhân để tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo của riêng mình từ những dòng chảy văn hóa, lịch sử của chúng ta và thời gian tôi từng tồn tại. Trước cuộc triển lãm này 6 năm, tôi đã sáng tạo nên hai cụm điêu khắc đá lớn tại hai đầu đất nước. Đó là tác phẩm “Con đường lông ngỗng”, lấy cảm hứng từ huyền sử bi thảm dẫn tới sự vong quốc diệt tình của Mỵ Châu - Trọng Thủy đặt tại Đền Hùng (Phú Thọ) và tác phẩm “Vết đạn” đặt tại kênh Xà No (Hậu Giang), với cảm quan từ những vết đạn bắn trên thân cây thời chiến vẫn còn ở rừng miền Tây Nam Bộ… Năm 2012, tôi cũng thực hiện một loạt tác phẩm đúc kim loại, dựa trên cảm xúc về hình tượng con thuyền Đông Sơn chở nước. Là người làm điêu khắc, tôi luôn cố gắng thấu hiểu, vận dụng khả năng biểu hiện của chất liệu, hình thức cũng như phương cách tổ chức không gian để thể hiện được ý tưởng nghệ thuật.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Theo anh, trong bối cảnh hiện nay, người làm điêu khắc trẻ gặp khó khăn hay thuận lợi nhiều hơn?
- Tôi thấy khó khăn nhiều hơn. Điều trước mắt dường như ai cũng biết, đó là việc tự thân vận động về thời gian, tiền bạc, tâm sức cho tác phẩm mà không thể trông chờ vào đâu. Cái vấn đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của người làm nghệ thuật ở ta vẫn chưa được giải quyết. Còn ở góc độ chuyên môn, thế hệ chúng tôi cũng thiếu những định hướng, những bệ đỡ từ khi bước vào nghề, nên tất cả đều là tự định hình, tự vạch ra con đường, ranh giới sáng tạo. Khi phải tự mình đốt đuốc mà đi thì thành công có và thất bại cũng không ít.
Còn thuận lợi, tôi nhận ra chính ở những khó khăn. Sự tự ý thức, tự vận động mang đến cho nghệ thuật sự thuần khiết để không biến tác phẩm thành công cụ thỏa mãn sự hiếu kì, thị hiếu đám đông mà đó là dòng phát triển của tâm thức người sáng tạo.
Anh đánh giá thế nào về sự chú ý của công chúng với nghệ thuật điêu khắc trong đời sống đương đại?
- Trong rất nhiều loại hình nghệ thuật thì công chúng vẫn còn e ngại với điêu khắc. Một phần do chúng ta thiếu nền tảng để ghi nhận, đánh giá những thành tựu, giá trị của điêu khắc trong đời sống cũng như thiếu sự nuôi nấng, định hướng từ ban đầu cho người sáng tạo, người thưởng thức nên không thể trách công chúng được. Tất nhiên, tuy chưa đủ để thành trào lưu nhưng những năm gần đây, điêu khắc cũng đã dần thu hút công chúng hơn và những người đến với các cuộc triển lãm kiểu này thường say mê, hoặc am hiểu, thậm chí nhiều người còn có khả năng thẩm định, phản biện tác phẩm tốt.
Đằng sau triển lãm cá nhân đồ sộ thế này là bóng dáng của những ai?
- Đó là tôi, người biết chấp nhận những thua thiệt, những đứt đoạn trong đời sống, sáng tạo để quyết làm cho được. Đó là bạn bè trong và ngoài giới điêu khắc đã chia sẻ với tôi nhiều điều khiến tôi ấm lòng hơn. Đặc biệt, tôi thấy mình cũng may mắn khi có được người vợ dù không hoạt động trong giới nghệ thuật nhưng rất thấu hiểu, thông cảm và ở góc độ nào đó là chịu đựng để tôi vừa có thời gian sáng tạo, giảng dạy và thực tế.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nha-dieu-khac-tran-trong-tri-phai-tu-minh-dot-duoc-ma-di-172150325090428209.htm