NHÀ ĐIÊU KHẮC TẠ QUANG BẠO VÀ 6 TÁC PHẨM TƯỢNG ĐỒNG

NHÀ ĐIÊU KHẮC TẠ QUANG BẠO VÀ 6 TÁC PHẨM TƯỢNG ĐỒNG

Bởi Hà Trang 22/02/2023

1. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, sinh năm 1941, quê quán: Hà Trung, Thanh Hóa.

1959 - 1963: theo học trường Trung Cấp Mỹ Thuật Công Nghiệp

1966: học tại khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp

Công tác tại Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam

1971, Tạ Quang Bạo nhập ngũ, ông vừa là nghệ sỹ, vừa là chiến sỹ tại chiến trường Khu V.

1976, được bổ nhiệm phó giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội. 

1985, họa sĩ trưởng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (1985 - 1992) 

Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983 – 1989), Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Điêu khắc khóa V (1999 – 2004) và khóa VI (2004 – 2009)

Các công trình điêu khắc tiêu biểu:

  • Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” (1983), chất liệu bê tông, nhóm tượng cao 6m, bệ tượng cao 10m, Đặt tại đỉnh Cấm Dơi, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

  • Tượng đài “Chiến thắng” tại Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, chất liệu xi măng, cao 12m.

  • Tượng đài “Nam, nữ dân quân xã Cảnh Thụy, Bắc Giang” cao 3m, chất liệu bê tông cốt thép.

  • Tượng đài “Chiến thắng Sông Lô” (1987), chất liệu bê tông, cột biểu tượng cao 21m, nhóm tượng cao 7m, đặt tại Núi Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

  • Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noọng Nhai” (1987), chất liệu bê tông, cao 4,5m, đặt tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

  • Tượng đài “Ngời sáng Quê hương” (1997) tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, chất liệu bê tông, tượng cao 7,3m, bệ tượng cao 7,2m, đặt tại Km số 6, Quốc lộ 9, phường 4, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

  • Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn”, chất liệu Bê tông, cao 11,2m, đặt tại xã Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

  • Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang” (2004), chất liệu bê tông, tượng cao 6m, bệ cao 10m, đặt tại Công viên 2 tháng 4, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa …

Các giải thưởng và Khen thưởng

2001: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật;

1976: Giải B - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc;

1979: Giải A - Triển lãm Mỹ thuật Quân đội;

1980: Giải A - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc;

1983: Giải Nhất  - Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc 1973-1983;

1984: Giải A - Triển lãm Mỹ thuật Quân đội;

1990: Giải Khuyến khích - Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc;

2014: Giải A - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí 5 năm (2009 - 2014);

2016: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật;

2017: Giải A - Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Ba;

Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, Hạng Ba;

Huân chương Chiến công hạng Ba - Quân khu V trao tặng;

Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam;

Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

2. Bộ sưu tập 6 tượng của NDK. Tạ Quang Bạo

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã sống và sáng tác qua nhiều giai đoạn quan trọng của đất nước. Ở giai đoạn nào, ông cũng cống hiến hết mình và để lại những tác phẩm đại diện xuất sắc. Bên cạnh sự thành công trong mảng tượng đài dân tộc, ông đã tạo nên một kho tác phẩm tượng tròn salon với những chất liệu đa dạng như Đá, gỗ, đồng, thạch cao… mang đậm phong cách biểu hiện phương Tây nhưng trên một phông nền văn hóa dân gian Việt Nam sâu rộng và đặc sắc mà phải trải qua cả cuộc đời chiêm nghiệm và cảm thụ ông mới nhìn ra nó. Nhưng trên tất cả, phải bắt tay vào lao động, “có làm và nghĩ liên tục như một vòng xoay cả đời may ra mới có được tác phẩm” - Tạ Quang Bạo.

Cùng với những thế hệ nhà điêu khắc hiện đại đầu tiên của Việt Nam như Diệp Minh Châu, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Hải, Lê Công Thành, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo có thể được xem như thế hệ điêu khắc gia cuối cùng mang trong tác phẩm bước chuyển tiếp của điêu khắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sang ngôn ngữ tạo hình trừu tượng hiện đại mà vẫn thể hiện những cảm hứng huyền thoại dân gian dân tộc rõ nét. 

Các tác phẩm tượng tròn trong bộ sưu tập được sáng tác trong hai năm 2019 - 2020, thuộc giai đoạn sau, khi nghệ thuật của ông đã trở nên “viên mãn” và lắng lại với những tượng tròn kích thước nhỏ mang suy nghiệm về cuộc sống, tình yêu, huyền thoại và nghệ thuật. Yếu tố đặc sắc trong tượng của Tạ Quang Bạo thể hiện rõ nhất ở việc giải quyết không gian tự thân của tác phẩm và sự can thiệp của tác phẩm vào không gian bên ngoài nó. Bởi vậy, đa phần các tác phẩm của ông đều có thể phóng to mà không bị không gian tự nhiên lấn át. Ngôn ngữ điêu khắc và câu chuyện nghệ thuật trong các tác phẩm của Tạ Quang Bạo nhiều sắc thái từ cảm hứng lãng mạn dân tộc đến cảm xúc cá nhân phiêu du tạo nên cá tính tài tử trong các sáng tác đa dạng của nghệ sĩ

Nội dung 6 Tượng của NDK Tạ Quang bạo:

Số 1:  Tạ Quang Bạo, “Đứng trước biển 1” (2020), 66x30x19 cm, đồng đúc.

Số 2:  Tạ Quang Bạo, “Đứng trước biển 2” (2020), 73x30x19 cm, đồng đúc

Đứng trước biển 1-2 có ngôn ngữ tạo hình độc đáo. Hình tượng người phụ nữ đứng trước biển không còn thực mà được trừu tượng hóa với cấu trúc lập thể - siêu thực. Ở hai tác phẩm này, cấu trúc không gian rỗng bên trong tác phẩm được đặc biệt chú trọng khiến tác phẩm có sức biểu hiện mạnh mẽ. Đứng trước biển vừa phức tạp vừa như cô đọng ở các khối căng bóng, vừa có ngôn ngữ hiện đại phương Tây trong mạch ngầm văn minh cổ đại, nhưng lại mang chất dân gian huyền thoại Việt Nam ở cảm quan, hình tượng và chi tiết.

Số 3: Tạ Quang Bạo, “Âu cơ - Lạc Long Quân” (2020), 75x34x29 cm, đồng đúc

Bức tượng “Âu cơ - Lạc Long Quân” của tác giả Tạ Quang Bạo thể hiện khoảnh khắc tưởng tượng trong cuộc chia tay huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Trong trí tưởng tượng của tác giả, đó là sự chia ly đầy lý trí và cũng thật xúc động khi Lạc Long Quân giữ lấy hai cánh tay của Âu Cơ để hôn lên trán nàng, còn Âu Cơ một tay giữ lấy tay còn lại của mình để hai tay nàng không thể níu lấy chồng.

Tạo hình của bức tượng được thể hiện một cách xuất sắc từng chi tiết cơ thể của người nam và nữ tôn lên vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết của con người nói chung và cụ thể hơn là những đặc điểm của con người dân tộc Việt Nam. Tác giả đưa hình tượng đầu chim trong tác phẩm - gợi nhắc đến vật tổ của người Lạc Việt tạo nên một hình tượng siêu thực và đặc sắc.

Số 4: Tạ Quang Bạo, “Cô gái ngồi” (2019), 49 x 40,5 x 25 cm, đồng đúc

Tượng “Cô gái ngồi” của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo mang hình thức tối giản và siêu thực. Bức tượng cho người xem cảm giác về sự bình thản của người phụ nữ trong đời sống cổ sơ. Tuy vậy, các chi tiết cơ thể tự nhiên và dung dị, gần gũi với tạo hình và quan điểm dân gian của người Việt Nam về hình tượng phụ nữ.

Số 5: Tạ Quang Bạo, “Bay 1” (2019), 50 x 30,5 x 19 cm, đồng đúc

Số 6: Tạ Quang Bạo, “Bay 2” (2019), 47 x 50 x 50 cm, đồng đúc

Bay là trạng thái ảo giác mà con người thoát khỏi không gian thực chỉ có ở trong giấc mơ. Nhà điêu khắc chia sẻ “Bay 1-2” trạng thái của người phụ nữ đang thoát ra khỏi những ràng buộc của đời sống để vươn tới tự do. Nằm trong phong cách tạo hình giản lược, hiện đại phương Tây ở những khối căng bóng, nhưng điểm nhấn của tác phẩm lại là những chi tiết mang màu sắc siêu thực để tạo nên một hiện thực kỳ ảo của tác phẩm.

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư