Hoạ sĩ người Ethiopia vẽ tranh với cảm hứng từ Kinh Dịch cổ điển Trung Quốc

Hoạ sĩ người Ethiopia vẽ tranh với cảm hứng từ Kinh Dịch cổ điển Trung Quốc

Bởi Hà Trang 28/03/2024

Đứng trước bức tranh canvas trong phòng trưng bày nghệ thuật ở trung tâm Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, họa sĩ 50 tuổi Dawit Muluneh như đắm chìm hoàn toàn vào những bức tranh vẽ các ký tự Trung Quốc cổ đại.

(Hoạ sĩ Dawit Muluneh làm việc trên những bức tranh vẽ các kí tự Trung Quốc tại một triển lãm nghệ thuật ở Addis Ababa trong tháng 3 năm 2024.) 

Xung quanh ông là một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ Kinh Dịch, bộ sách kinh điển về hệ thống tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ dại. Cuốn sách đã tồn tại hơn 2.000 năm và được coi là ngọn nguồn của văn hóa Trung Quốc.

"Kinh Dịch có nghĩa là sự thật và được hình thành dựa trên tám món quà của thiên nhiên, đó là trời, đất, sấm sét, gió, nước, lửa, núi và hồ. Nói chung, Kinh Dịch đưa ra những giải thích về trí tuệ của thiên nhiên", hoạ sĩ Muluneh nói trong một bài báo gần đây sau cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã tại một phòng trưng bày nghệ thuật có tên là “Medemer Africa Art and Sculpture Space” (Không gian điêu khắc và nghệ thuật Medemer Châu Phi).

Bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật này, bao gồm 64 bức tranh đại diện cho 64 quẻ dịch, miêu tả sự tương tác hàng ngày giữa con người và thiên nhiên, đồng thời truyền đạt kiến thức và cảm xúc cho người xem qua những mô tả bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Amharic (ngôn ngữ của Ethiopia). 

Mặc dù Muluneh không nói được tiếng Trung Quốc, nhưng sự quan tâm của hoạ sĩ đến Kinh Dịch đã được gieo mầm cách đây vài năm sau khi người bạn Gossa Oda, cũng là chủ phòng trưng bày nghệ thuật, giới thiệu cho cuốn "Kinh Dịch hoàn chỉnh", một cuốn sách giải thích kiệt tác cổ xưa của Trung Quốc bằng tiếng Anh.

Hoạ sĩ Muluneh, người được truyền cảm hứng đầu tiên và quan trọng nhất từ các ký tự Trung Quốc được gọi là Qian và Xian, được dịch là sự khiêm tốn và ảnh hưởng lẫn nhau, cho biết: “Các bức tranh thể hiện niềm vui, những trở ngại, sự nhẹ nhõm, sự gặp gỡ, lòng can đảm, niềm vui tuổi thơ và sự đoàn kết”.

(Hoạ sĩ Dawit Muluneh)

Trong quá trình sáng tác tranh kéo dài một năm, người họa sĩ người Ethiopia này đã tìm đến Internet để tìm thêm thông tin về những ký tự Trung Quốc. Hoạ sĩ đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy những điểm tương đồng giữa nền văn minh cổ đại của Ethiopia và Trung Quốc, về phong cách hội họa, phong cảnh, cũng như thái độ của người dân hai nước đối với thiên nhiên.

Nghệ sĩ cho biết: “Cả Ethiopia và Trung Quốc đều có lịch sử cổ xưa về các tác phẩm bằng đất sét và tre, các loại thuốc truyền thống và nhạc cụ”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc trau dồi các kiến thức từ thời cổ xưa như vậy sẽ giúp các quốc gia phát triển thịnh vượng một cách đúng đắn.

Khi giải thích về cuốn sách, họa sĩ Muluneh cho biết, cuốn sách không chỉ kể về hiện trạng, tiềm năng tương lai mà còn đưa ra những hướng dẫn những việc nên làm và không nên làm để có được may mắn và tránh khỏi những điều xui xẻo.

Theo nghệ sĩ, cuốn sách đưa ra hướng dẫn dựa trên sự quan sát toàn diện các quy luật tự nhiên của các triết gia Trung Quốc cổ đại để từ đó họ rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc.

Hoạ sĩ Muluneh cho biết Ethiopia và Trung Quốc đã đóng góp to lớn cho nền văn minh thế giới hiện nay. Kinh Dịch giúp nuôi dưỡng những công dân có kỷ luật tốt cũng như mở lối cho một phong cách sống tốt đẹp.

Hoạ sĩ Muluneh đã rút ra được những điểm tương đồng giữa các chữ cái Ethiopia và các ký tự Trung Quốc, cũng như cách pha trà và nghi lễ cà phê, việc xây dựng nhà ở, tu viện và lăng mộ giữa hai quốc gia. "Các bức tranh được thực hiện theo cách khắc họa những điểm tương đồng đó".

(Hoạ sĩ Dawit Muluneh treo các bức tranh vẽ các ký tự Trung Quốc lên tường cho triển lãm tại một không gian nghệ thuật ở Addis Ababa, Ethiopia, vào tháng 3 năm 2024.)

Không gian Điêu khắc và Nghệ thuật Medemer Châu Phi, ra mắt vào tháng 5 năm 2023, thường xuyên được học sinh, các nghệ sĩ Ethiopia và một số thành viên của cộng đồng người Hoa ở Addis Ababa ghé thăm.

Người bạn tên Oda của hoạ sĩ Muluneh cho biết: “Du khách đến thăm không gian trưng bày của chúng tôi sẽ được giới thiệu các khái niệm cơ bản về Kinh Dịch và những khái niệm phức tạp này của Trung Quốc cũng sẽ được dịch sang tiếng Anh và tiếng Amharic”.

Theo Oda, những bức tranh này độc đáo nhờ vẻ đẹp, sự đa dạng và bố cục, đồng thời chúng có chung cảm quan thẩm mỹ và mối tương quan văn hóa giữa Ethiopia và Trung Quốc.

(Hoạ sĩ Muluneh trong quá trình sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Kinh Dịch và các Hán tự cổ.)

Nhà triết học Trung Quốc cổ đại Khổng Tử và các học trò của ông được cho là đã viết một cuốn sách, vài trăm năm sau sự ra đời của Kinh Dịch, để giải thích kiệt tác cổ đại này của Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, sẽ rất khó hiểu Kinh Dịch nếu không có chú thích hoặc bình luận của Khổng Tử.

“Sau khi xem các bức tranh Kinh Dịch, du khách sẽ tìm hiểu về nền văn minh Trung Quốc và tìm hiểu sâu hơn về cuốn sách. Việc đọc những lời bình luận của Khổng Tử, họ sẽ hiểu được ảnh hưởng văn hóa và thẩm mỹ của Trung Quốc, ví dụ như phẩm chất đạo đức trung thành hoặc hiếu thảo, đối với nền văn minh thế giới,” Oda nói. "Kinh Dịch sẽ giúp du khách biết được tiềm năng tương lai cũng như hoàn cảnh hiện tại của người đọc và mỗi bức tranh có thể được hiểu khác nhau. Cuốn sách này cùng với các quẻ kinh dịch trong đó cho biết tiềm năng hoặc xu hướng của con người trong tương lai," Oda cho hay,

 

Biên dịch: Huyền Trịnh

Nguồn: https://english.news.cn/africa/20240326/5825295a658a499d800e146c7a4a12ae/c.html

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư