30 tác phẩm sơn mài của 10 họa sĩ trong triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” mang tới cho người xem một dòng chảy sáng tạo cuốn hút, với các phong cách sáng tác đa dạng, rất “chất” của các hoạ sĩ đương đại nổi tiếng với tranh sơn mài - đặc sản mỹ thuật Việt Nam.
Chiều 2.8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, The Muse Artspace đã khai mạc triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”. Triển lãm thu hút đông đảo giới nghề và công chúng yêu nghệ thuật. Đặc biệt là 10 họa sĩ có tác phẩm được trưng bày trong triển lãm: Lý Trực Sơn, Triệu Khắc Tiến, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quang Trung, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Thuý Nguyệt, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan.
Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” thể hiện nhiều cách tiếp cận sơn mài trên con đường phát triển chung của chất liệu đặc trưng này, theo một cách riêng, để các họa sĩ hay người yêu nghệ thuật có thể “thư thả đi bộ” thưởng thức những tác phẩm đó. Chia sẻ về lý do lựa chọn trưng bày các tác phẩm của 10 họa sĩ, giám tuyển Vân Vi (nhà sáng lập The Muse Artspace, đơn vị tổ chức triển lãm) cho hay: “Triển lãm không có một chủ đề cụ thể. Triển lãm trưng bày như là cách đặt vấn đề cho các họa sĩ đương thời của Việt Nam. Họ đang làm gì, quan điểm của họ là gì và nghệ thuật của họ được dẫn dắt theo quan điểm đó như thế nào”. Trong toàn bộ triển lãm, các họa sĩ đều sáng tác trên chất liệu sơn ta, và họ đều là người khai phá sơn ta theo những cách thức khác nhau và có những quan điểm riêng về sơn ta.
Dòng tranh sơn mài đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, nhưng kể từ khi có trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925 các họa sĩ mới bắt đầu đưa chất liệu này từ mỹ nghệ vào sáng tác. Các thế hệ tiếp nối sự phát triển của tranh sơn mài từ thế hệ đầu tiên với dòng tranh biểu hiện, thế hệ thứ 2 thiên về lối trang trí, thế hệ thứ 3 cho rằng thay đổi quan niệm về sáng tác và đến thế hệ thứ 4, triển lãm đặt ra câu hỏi cho người họa sĩ đương đại “sẽ thực hiện điều gì? và cái đang tiếp diễn có thể đóng vai trò như thế nào”?
Họa sĩ Lý Trực Sơn, tác giả của bộ 3 tác phẩm “Ngân hà” chia sẻ: “Mỗi bức tôi đều vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ đi vẽ lại nhiều lần, thậm chí trên chính nó. Để tạo ra được một hiệu quả nghệ thuật mà mình mong muốn, có lẽ tôi đã vô cùng nỗ lực, có lẽ đối với tôi nó khó hơn là công phu”. Những bức tranh “Ngân hà” được sáng tác trong giai đoạn từ 2000-2019. Ba bức tranh là “gạch nối giữa các giai đoạn sáng tác hiện thực và trừu tượng của họa sĩ Lý Trực Sơn”.
Tác phẩm “Chuếnh choáng” của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt
Họa sĩ Nguyễn Quang Trung chia sẻ: “Có hai xu hướng mà các nghệ sĩ đang sáng tạo đó là dựa trên nền tảng của chất liệu truyền thống và kế thừa bậc thầy đi trước tiếp tục đi theo con đường khai thác và tập trung kiểm soát tìm hiểu về chất liệu, có sự giao lưu, tiếp biến với một số cách tiệp cận chất liệu trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc”. Tác phẩm Nắng hội tụ các sở trường của ông, như kỹ thuật “nhốt sáng” và vẽ nhiều lớp son, nhiều lớp màu.
Tác phẩm "Tình nhân", hoạ sĩ Triệu Khắc Tiến
Bên cạnh đó, triển lãm có những nghệ sĩ hướng tới việc mở rộng biên độ chất liệu của sơn ta như Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Vũ Văn Tịch. Tác phẩm “Chuếnh choáng” của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt sử dụng nhiều kỹ thuật “tạo chất mới”. Bằng chất liệu sơn mài truyền thống, họa sĩ đưa vào đề tài rất đời thực của những người phụ nữ. Bức tranh được họa sĩ sáng tác bằng nhiều chi tiết của áo quần, chi tiết đồ vật, “thậm chí là chi tiết của khoảng không tạo nên không gian sôi động nhưng man mác vẻ buồn, tàn phai của những con người cô đơn trong đám đông hỗn tạp”.
Tác phẩm "Vườn mộng mơ", hoạ sĩ Phạm Trà My
Họa sĩ Lý Trực Sơn bày tỏ: “Theo như tôi nhìn nhận nghệ thuật sơn mài của Việt Nam đối với các nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, tính hội họa của sơn mài Việt Nam vẫn tốt hơn. Trong cái nhìn của một họa sĩ, dòng sơn mài của chúng ta vẫn giữ được cái ưu điểm rất quý giá là tinh thần hội họa cao hơn các dòng sơn mài khác. Mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục lưu giữ truyền thống đó”.
Triển lãm kéo dài đến 8.8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/67421/dao-buoc-qua-vung-dat-cua-son-mai