Bùi Xuân Phái sinh năm 1920, mất năm 1988 tại Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình nho học ở làng tranh dân gian Kim Hoàng. Dòng dõi họ Bùi của ông nhiều người đỗ đạt làm quan. Bản thân cha Bùi Xuân Phái đỗ tú tài năm 30 tuổi. Tuy vậy, nhà đông anh em, mẹ của Bùi Xuân Phái làm vợ lẽ và ông lớn lên trong sự nghiêm khắc của cha. Khi cha ông mất cũng là lúc ông thực sự tự lập bước vào cuộc sống khó khăn ở Hà Nội. Năm 1941 Bùi Xuân Phái chính thức trở thành sinh viên khóa XV trường Mỹ Thuật Đông Dương, cùng khóa với Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình…
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Trường Mỹ thuật Đông Dương bị đóng cửa, Bùi Xuân Phái đi tản cư ở chiến khu, kỳ thi tốt nghiệp của trường Mỹ thuật Đông Dương của lứa họa sĩ cuối cùng phải dang dở. Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm cùng các anh em văn nghệ sĩ hăng hái cống hiến cho các báo góp sức cho kháng chiến. Năm 1952, Bùi Xuân Phái gặp gỡ và kết hôn với cô Sính và có mang đứa con đầu lòng. Ông quyết định cùng vợ con rời chiến khu trở về Hà Nội. Và từ đó, cuộc đời ông lâm vào những khó khăn về vật chất còn tinh thần thì mang nhiều nỗi buồn của thời thế, của những hiểu lầm khó giải thích của người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam đầy xáo động.
Suốt quãng đời trưởng thành cho tới lúc mất ông vẽ rất nhiều đề tài: Chân dung, phố, phong cảnh làng quê nông thôn, tĩnh vật, trừu tượng, khỏa thân, chèo, thiếu nhi chơi trung thu, tết… Ông vẽ trên nhiều chất liệu, có gì vẽ nấy, từ vải, giấy, gỗ, giấy báo… bằng sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì… Bùi Xuân Phái gắn bó với Hà Nội. Nhưng chủ yếu là một Hà Nội nghèo khó. Cuộc đời ông cũng nhiều nỗi buồn vậy mà ở mảng đề tài nào kể trên người xem cũng dễ dàng cảm nhận ở tranh ông một tâm hồn tươi mới, trong sáng, giản dị, bình yên và sâu lắng.
Bùi Xuân Phái nổi tiếng với bạn bè trong và ngoài nước ở đề tài Phố. Phố Phái đã trở thành thương hiệu. Tuy vậy, tranh chân dung là một trong những đề tài đặc sắc mà dường như Bùi Xuân Phái có năng khiếu bẩm sinh từ thủa nhỏ. Trong cuốn sách viết về cuộc đời và tác phẩm của Bùi Xuân Phái do con trai Bùi Thanh Phương của ông và nhà sưu tập Trần Hậu cho ra mắt bạn đọc có viết rằng Bùi Xuân Phái có tài vẽ chân dung “giống” nhân vật từ khi còn nhỏ. Trong gia đình, thỉnh thoảng lại thấy chân dung các chị gái của ông ở trên tường với phong cách biếm họa sau khi ông bị các bà chị trêu chọc hay la mắng. Và cho tới khi có gia đình riêng và trở về Hà Nội những ngày khốn khó, những tác phẩm thường xuyên nhất của Bùi Xuân Phái giai đoạn này cũng là chân dung vợ con, người thân, bạn bè, và vẽ chính mình… những người mẫu thân quen xung quanh cuộc sống nghèo khó bình dị của ông.
CHÂN DUNG HOẠ SĨ LINH CHI
Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
Kích thước: 44x34 cm
Chất liệu: Bút dạ trên giấy
Tranh chân dung của Bùi Xuân Phái có thể được chia làm bốn đối tượng: Người trong gia đình, bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, những người ông thường gặp, một số người nước ngoài (theo “Bùi Xuân Phái, cuộc đời và tác phẩm”). Thời đó, tranh chân dung và tĩnh vật là những chủ đề ít được chú trọng. Đi lệch khỏi dòng tranh phục vụ kháng chiến lúc bấy giờ, Bùi Xuân Phái đã ít nhiều chọn cho mình một con đường khó khăn và lặng lẽ. Tuy vậy, ông vẫn sáng tác rất nhiều tranh chân dung như thứ nghệ thuật giản dị hàng ngày, được mua bởi bạn bè, những người yêu nghệ thuật ở Hà Nội, giúp ông duy trì được cuộc sống cùng hội họa với niềm động viên an ủi lớn lao.
Tranh chân dung của Bùi Xuân Phái có tạo hình, bố cục và màu sắc giản đơn mang tính biểu hiện cao. Đường nét không diễn tả nhiều nhưng cô đọng khúc chiết và lột tả được thần thái với những nét đặc trưng của nhân vật. Điều này không chỉ nói lên tính chất vẽ “giống” mẫu mà ông có năng khiếu từ thủa nhỏ mà còn là đặc điểm của một người nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, tình cảm và đầy chất nghệ thuật trước đối vật. Bùi Xuân Phái ký họa nhiều trên một nhân vật để tìm ra nét chắt lọc và biểu hiện cái thần thái tính cách nhân vật.
Bùi Xuân Phái có đôi mắt to tròn lúc nào cũng sáng và đau đáu. Tranh chân dung của ông cũng vậy. Cảm giác như ông luôn chú ý đặc tả đôi mắt, đặc tả không có nghĩa là chi tiết mà tả cái thần thái trong sự giản đơn nhưng chú ý từng đường, nét, hướng và cái thần khiến khuôn mặt đem đến ấn tượng mạnh mẽ cho người xem tranh. Người yêu nghệ thuật có câu: “Phố Phái - Gái Liên” ý nói ông Phái nổi tiếng vẽ Phố còn đề tài phụ nữ thì ông Liên là người vẽ nhiều nhất và toàn vẽ con gái đẹp! Tuy vậy, tranh phụ nữ của Bùi Xuân Phái đem đến cho người xem một cảm giác khác hẳn. Nó không hời hợt na ná mà đi vào nhân vật. Một nhân vật nữ ông Phái vẽ ở nhiều góc độ thành nhiều tác phẩm. Người phụ nữ trong tranh ông không đẹp kiêu sa vẻ phù phiếm mà bình dị sâu lắng với đầy nỗi niềm của một Hà Nội những năm tháng biến động.
TRANH SÂN KHẤU CHÈO
TRANH CHÈO
Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái
Kích thước: 46x40 cm
Chất liệu: Màu bột trên giấy
Năm 1958 Bùi Xuân Phái nhận lời mời làm họa sĩ thiết kế cho đoàn chèo Hà Nội. Công việc của ông là vẽ trang phục, đạo cụ cho các vai diễn và vẽ phông trang trí. Nhiệm vụ này đã khiến ông có một loạt tác phẩm độc đáo về đề tài này. Với loạt tranh chèo, Bùi Xuân Phái chọn cách xây dựng bố cục, nhân vật người đơn giản với những mảng phẳng ước lệ và màu sắc tươi sáng, nét bút tự do, phóng khoáng đôi lúc như buông lơi phù hợp với tính chất vui vẻ của những kịch bản chèo. Ông khắc họa đời sống sân khấu và cuộc đời sau cánh gà của nhân vật trong chèo với những bố cục giản đơn, cắt cúp đầu hoặc vẽ nhân vật bán thân trên một hậu cảnh đơn giản. Tranh chèo của Bùi Xuân Phái lả lơi, phóng khoáng và nhẹ nhõm như cởi bỏ tâm tình. Với chèo, Bùi Xuân Phái đóng góp thêm một mảng đặc sắc trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam với đề tài truyền thống.