Ngày 06/12/2023, tại The Muse Art Space (47 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kiến trúc sư Vũ Hiệp đã khai mạc triển lãm tranh “Biến tượng”. Đây là triển lãm hội họa cá nhân đầu tiên của anh và được giới phê bình đánh giá rất độc đáo trong bút pháp và phong cách.
Kiến trúc sư Vũ Hiệp sinh năm 1982 tại Hải Dương. Anh thi đỗ vào Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2000, sau đó chuyển sang học ở Đại học Kiến trúc – Xây dựng Sankt Peterburg (LB Nga) và tốt nghiệp kiến trúc sư năm 2008. Những năm gần đây, anh nổi lên như một hiện tượng trong giới nghiên cứu kiến trúc và nghệ thuật, với tuổi nghề còn rất trẻ so với trong giới. Các công trình nghiên cứu đã xuất bản của anh được giới chuyên môn đánh giá cao, có thể kể tới: Đô thị Việt Nam – góc nhìn từ những nơi chốn (2016), Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (2018), Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (2019), Sự kiến tạo các nền nghệ thuật (2022)… Những tác phẩm đó đã được trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (2016, 2018, 2020, 2022), Giải thưởng Sách Quốc gia (2018), Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (2019). Hiện KTS Vũ Hiệp là giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Tác giả Vũ Hiệp (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng nghiệp tại buổi khai mạc triển lãm "Biến tượng".
Kiến trúc sư Vũ Hiệp đến với hội họa từ thời sinh viên. Thời gian đầu anh chuyên vẽ tranh thủy mặc; sau đó chuyển sang vẽ lụa và tìm được mối “duyên” với chất liệu truyền thống này. Triển lãm “Biến tượng” đánh dấu một giai đoạn sáng tác của anh, chuyển từ sở thích nghiệp dư sang con đường chuyên nghiệp. Triển lãm trưng bày 33 bức tranh lụa được tác giả sáng tác từ năm 2019-2023. Về cái tên triển lãm “Biến tượng”, kiến trúc sư Vũ Hiệp lý giải: Biến tượng tức là sự biến đổi các biểu tượng, biến tạo các hình tượng. Thế giới của chúng ta được xây dựng bởi các biểu tượng. Chúng không tự nhiên sinh ra, mà được vun trồng qua nhiều thế hệ, trong vô thức tập thể. Người nghệ sĩ tạo ra các “tượng” của thời đại mình bằng cách đắm chìm trong dòng mạch của lịch sử và được thúc đẩy bởi ham muốn ghi dấu ấn cá nhân.
Tác phẩm: Mẹ mướp No.1 (20x30cm)
Những tác phẩm của Vũ Hiệp độc đáo ở cả nội dung và bút pháp, phong cách. Tranh của anh có cả sự ấn tượng, trừu tượng, siêu thực, phồn thực, có cả tính dân gian và chất đồ họa. Chủ đề và những nhân vật trong tranh Vũ Hiệp rất gần gũi; đó là những con giáp, những trái cây, những người phụ nữ… nhưng được nhìn ở những góc độ, những tâm thế khác, tạo nên nhiều xúc cảm và sự thú vị. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của anh đã “link” sang hội họa những không gian kiến trúc tạo nên những bố cục chặt chẽ đậm tính hình họa. Có thể thấy trong tranh của anh những hình tượng như cột, xà, mái nhà, lan can…; chúng không chỉ bổ sung, làm nền cho chủ đề chính mà có ý nghĩa quan trọng trong bố cục. Một điểm dễ thấy khác trong tranh Vũ Hiệp là sự “ngoa dụ” – chữ dùng của tác giả. Đó là sự cường điệu phi thực tế ở những chi tiết, những bộ phận của nhân vật như vú dài ở người phụ nữ, tay dài, cổ dài, đuôi dài, lưỡi dài… ở những con vật. Sự “ngoa dụ” này là một cách nhìn riêng của tác giả và có ý nghĩa lớn trong việc tạo nên bút pháp và phong cách. Tác giả lý giải: Biểu hiện phi hiện thực đó là biểu hiện cho triết lý phồn thực, nữ quyền/thiên tính nữ trong văn hóa Việt Nam… Còn về cấu trúc hình, chúng được vẽ bởi cảm hứng từ hình học tô-pô. Chất liệu, đề tài, bút pháp của Vũ Hiệp tạo nên một chất dân gian, phương Đông; vừa dung dị, nhưng lại vừa bí ẩn, sâu xa, gợi nhiều suy ngẫm.
Tác phẩm: Dưa hấu (30x40cm)
Kiến trúc sư Vũ Hiệp chia sẻ: “Kiến trúc sư thì ai cũng vẽ tranh, nhưng phần lớn là vẽ vui, giải trí, làm đời sống văn hóa tinh thần thêm phong phú. Nhưng với tôi, càng vẽ nhiều, càng dấn thân vào tôi càng đam mê, càng ngày tôi càng dành nhiều thời gian và tâm trí cho hội họa. Hội họa là sự thực hành nghệ thuật song hành cùng công việc nghiên cứu của tôi. Chúng soi chiếu và bổ sung cho nhau.
Văn hóa dân gian, truyền thống dân tộc đã thấm sâu vào người tôi, đôi khi ám ảnh. Có nhiều ý tưởng, quan điểm tôi không thể bày tỏ trọn vẹn bằng chữ nghĩa, nhưng lại tìm được sự giải tỏa trong hội họa. Ngôn ngữ hội họa có khả năng giúp trí tưởng tượng vượt qua những rào cản xã hội mà ngôn ngữ chữ viết khó khăn hơn. Có lẽ vì chữ viết gắn bó quá chặt với cuộc sống và định chế xã hội”.
Nhà phê bình mỹ thuật, nhà báo Quang Việt nhận xét: “Đó dường như là sự nhào nặn thế giới biểu tượng với văn hóa dân gian Việt Nam và nghệ thuật trang trí truyền thống Á Đông, khá phù hợp với ngôn ngữ của tranh lụa”.
Tác phẩm: Giấc mộng đêm hè (50x85cm)
“Biến tượng” không phải là một triển lãm quy mô, song đầy cảm xúc bởi sự độc đáo bởi sự độc đáo trong bút pháp của tác giả. Trên hết, điều đặc sắc mà người xem thấy được trong hội họa của Vũ Hiệp có lẽ là một vẻ mộng mị khó diễn tả từ những thứ tưởng chừng như mạch lạc ấy. Trong đó cái thân quen và lạ lẫm nhào nặn để tạo nên sự lôi cuốn. Người xem có thể cảm thấy rõ niềm yêu mến nơi chốn, văn hóa Việt Nam, có suy tư cá nhân, giấc mơ, huyền thoại, đức tin và cả những biểu tượng, hình tượng được biến tạo.
Triển lãm “Biến tượng” diễn ra đến ngày 20/12/2023.
Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm:
Cung oán ngâm khúc No.2 (20x30cm)
Tuất (40x30cm)
Cú (30x40cm)
Cứu chuộc No.2 (50x80cm)
Nguồn: ‘Biến tượng’ - Triển lãm tranh độc đáo của kiến trúc sư Vũ Hiệp (duyendangvietnam.net.vn)