Ai WeiWei lên tiếng bảo vệ triển lãm của Guggenheim trước các cuộc biểu tình nhân danh quyền động vật

Ai WeiWei lên tiếng bảo vệ triển lãm của Guggenheim trước các cuộc biểu tình nhân danh quyền động vật

Bởi Hà Trang 26/06/2023

Bảo tàng Solomon R. Guggenheim đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trước các tranh cãi nổ ra về cuộc triển lãm “Nghệ thuật và Trung Quốc sau năm 1989: Nhà hát Thế giới.” (Art and China after 1989: Theater of the World). Nghệ sĩ Trung Quốc Ai Weiwei hiện đã lên tiếng bảo vệ buổi biểu diễn, và vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà hoạt động vì quyền động vật.

Vào cuối ngày thứ Hai, sau khi nhận thấy những mối đe dọa bạo lực, bảo tàng đã đưa ra thông báo loại bỏ các tác phẩm được cho là xâm phạm quyền động vật “vì lo ngại cho sự an toàn của nhân viên, khách tham quan và các nghệ sĩ tham gia”.

Ai Weiwei là cố vấn triển lãm nghệ thuật và đồng thời cũng là giám tuyển phim trình chiếu trong triển lãm. Nghệ sĩ thẳng thắn thể hiện thái độ không mấy tích cực trước tình huống này của triển lãm. Ông chia sẻ với New York Times: “Khi một tổ chức nghệ thuật không thể thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, đó là bi kịch đối với một xã hội hiện đại. Việc gây áp lực buộc các bảo tàng phải gỡ bỏ tác phẩm nghệ thuật cho thấy sự hiểu biết hạn hẹp không chỉ về quyền động vật mà còn cả quyền con người”.

Nghệ sĩ đã từ chối bình luận thêm. Tuy nhiên, bất cứ ai theo dõi triển lãm cũng biết rõ vai trò quan trọng của nghệ sĩ cũng như tác phẩm của ông trong loạt trưng bày này. Triển lãm “Nghệ thuật và Trung Quốc sau năm 1989: Nhà hát Thế giới.” (Art and China after 1989: Theater of the World) lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác trong khoảng từ năm 1989 đến 2008. Mốc thời gian 2008 một phần được quyết định bởi vai trò của Ai Weiwei trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Các tác phẩm bị dỡ bỏ là: “Nhà hát Thế giới” (Theater of the World, 1993) của Huang Yong Ping, một đoạn video ghi lại màn trình diễn “Những con chó không thể chạm vào nhau” (Dogs That Cannot Touch Each Other) năm 2003 của Peng Yu và Sun Yuan và “Nghiên cứu điển hình về sự chuyển giao” (A Case Study of Transference, 1994) của Xu Bing. Tác phẩm “Nhà hát Thế giới” (Theater of the World, 1993) của Huang Yong Ping là một chuồng nuôi côn trùng sống, động vật lưỡng cư và bò sát để chúng chiến đấu và ăn thịt lẫn. Trong khi đó, trong màn trình diễn “Những con chó không thể chạm vào nhau” (Dogs That Cannot Touch Each Other, 2003), Peng Yu và Sun Yuan từng gây sốc khi xích hai con chó ngao trên hai máy chạy bộ đối diện nhau. Hai con chó gầm gừ liên tục và cố gắng lao vào nhau nhưng lại bị độ dài của dây xích kiềm chế. “Nghiên cứu điển hình về sự chuyển giao” (A Case Study of Transference, 1994) của Xu Bing là màn giao phối của một con lợn đực và một con lợn nái. Cả hai con lợn đều bị phủ đầy trên người các ký tự tượng hình giả chữ Trung Quốc của nghệ sĩ trộn lẫn với các chữ cái La Mã.

Ngay từ giai đoạn quảng bá, các hình ảnh liên quan đã bị chỉ trích gay gắt trước buổi khai mạc ngày 6 tháng 10 của chương trình. Một bản kiến nghị trên Change.org đã thu hút được hơn 700.000 người ủng hộ. Chủ tịch Tổ chức Bảo vệ Động vật (PETA) Ingrid Newkirk cũng kêu gọi dỡ bỏ các tác phẩm, nói rằng “những người tìm cách giải trí khi xem động vật cố gắng chiến đấu với nhau là những cá thể bệnh hoạn mà Guggenheim nên từ chối hợp tác.” American Kennel Club đã đưa ra một tuyên bố nói rằng tác phẩm của Peng Yu và Sun Yuan là “không thể chấp nhận được và không nên trưng bày dưới bất kỳ hình thức nào và chắc chắn không phải là nghệ thuật”.

Bảo tàng dường như mắc kẹt giữa cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ tự do ngôn luận và các nhà hoạt động vì quyền động vật. PEN America, một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho tự do ngôn luận và sự tiến bộ của văn học, đã bày tỏ mối quan ngại của mình trong một bài đăng trên Facebook:

“Đành rằng cuộc tranh luận sôi nổi về các tác phẩm được lên kế hoạch triển lãm tại Guggenheim là hợp pháp và mọi người được tự do bày tỏ quan điểm. Nhưng việc đe dọa bạo lực trở thành cơ sở để hủy bỏ các tác phẩm là một đòn giáng mạnh vào quyền tự do nghệ thuật. Ngay cả cách thể hiện nghệ thuật gây xúc phạm sâu sắc cũng không phải là lý do biện minh cho hành vi bạo lực bất kẻ là đe dọa hoặc đã diễn ra trên thực tế. Trường hợp này đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại rằng những tiếng nói gây tranh cãi và những quan điểm khác thường có thể bị buộc phải im lặng trước sự phản đối kịch liệt của quần chúng, áp lực của công chúng và những lời đe dọa. Những người ăn mừng việc loại bỏ những tác phẩm nghệ thuật này rồi hãy đợi xem ai sẽ lại ra lệnh dỡ bỏ một cái gì tiếp theo”.

 

Biên dịch: Minh Tâm

Biên tập: Thu Huyền

https://news.artnet.com/art-world/ai-weiwei-guggenheim-animal-artwork-censorship-1097036

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư