6 kiệt tác nghệ thuật của Louise Bourgeois tiết lộ những bí mật thầm kín nhất của bà

6 kiệt tác nghệ thuật của Louise Bourgeois tiết lộ những bí mật thầm kín nhất của bà

Bởi Hà Trang 16/12/2023

Năm 2020, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ trước đã biến mất, để lại một tác phẩm không thể phân loại được bao gồm các tác phẩm điêu khắc và sắp đặt với những yếu tố ghê rợn và nhục dục. Louise Bourgeois là một nghệ sĩ thị giác tiên phong trong nghệ thuật hữu cơ cùng những tác phẩm thể hiện giá trị cốt lõi của gia đình, hình ảnh của người mẹ và tình thân, mà bà coi như một phương tiện để xua tan nỗi đau khổ và tổn thương thời thơ ấu. Hãy cùng nhìn lại 6 tác phẩm theo chủ nghĩa hiện sinh của bà.

Chân dung nữ nghệ sĩ người Pháp Louise Bourgeois chụp bởi nhiếp ảnh gia Oliver Mark tại New York năm 1996.

“Tôi không theo đuổi một hình ảnh cụ thể, một ý niệm nào mà muốn tạo ra sự khao khát và cảm xúc”. Sinh vào tháng 12 năm 1911 tại Paris trong một gia đình thợ dệt, Louise Bourgeois bắt đầu sáng tác nghệ thuật thông qua những bức vẽ của mình. Đối với bà, đây là những cuốn nhật ký thực sự, những “suy nghĩ bằng bút”, một lối thoát cho những ám ảnh trong quá khứ đánh dấu sự khởi đầu của phương pháp nghệ thuật, cũng như các tác phẩm điêu khắc hoành tráng sau này của bà. Sau khi tham quan các trường mỹ thuật và xưởng vẽ của Fernand Léger, nữ nghệ sĩ đến Hoa Kỳ và trình làng triển lãm đầu tiên của mình vào năm 1945 tại New York. Kể từ đó, trong nhiều năm, các tác phẩm điêu khắc của bà phản ánh hình ảnh họa sĩ là một người phụ nữ mâu thuẫn, sắc sảo và ưu tư. Xuyên suốt những chủ đề lặp đi lặp lại, tác phẩm của Louise Bourgeois khám phá cơ thể con người như một nơi ẩn náu, gốc rễ dẫn đến bạo lực, sự chia cắt hoặc các mối quan hệ gia đình… Vừa mong manh vừa bức bách, nghệ sĩ người Pháp đã làm rung chuyển thế giới nghệ thuật với những tác phẩm vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho đến ngày nay.

1. Những người đàn bà nâng nhà (1946-1947): Tuyên ngôn nữ quyền

Nếu họa sĩ từng nhận định: “Nghệ thuật hội họa chẳng là gì đối với tôi”, thì chính với 12 bức tranh vẽ trưng bày trong triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1945 đã vạch ra chủ đề cụ thể mà bà sẽ theo đuổi trong nhiều năm sau. Sự đan xen giữa cơ thể phụ nữ và mái ấm gia đình, mặc dù có liên quan rất nhiều đến phong trào hội họa siêu thực nhưng không đến nỗi phi lý như mọi người tưởng tượng. Ẩn đằng sau là hình ảnh người phụ nữ theo quan niệm truyền thống: phụ nữ là trung tâm của ngôi nhà, cốt lõi của cơ cấu gia đình. Ngoài tuyên bố của chủ nghĩa nữ quyền, một số người nhìn thấy trong sự đặt cạnh nhau này một hình ảnh thời thơ ấu, đại diện bởi người mẹ và ngôi nhà mang theo những ký ức của nó.

Tác phẩm Những người đàn bà nâng nhà sáng tác năm 1946-1947.

2. Đóa hoa thần Janus (1968): Thể xác hai khuôn mặt

Cùng năm đó, Louise Bourgeois đã tạo ra một số tác phẩm điêu khắc tập trung vào sự biến đổi. Trong số đó, Janus lấy cảm hứng từ vị thần Latin cổ đại có hai khuôn mặt, một hướng về quá khứ, mặt còn lại hướng về tương lai. Ở đây, trong sự mơ hồ thú vị về hình dạng và chất liệu, người nghệ sĩ đã thêm vào thuật ngữ gợi nhiều liên tưởng về loài hoa mỹ, có âm hưởng giới tính rõ ràng. Tác phẩm điêu khắc tượng trưng cho một biểu tượng thuần khiết của tính hai mặt, vừa thể hiện giới tính nữ, vừa gợi mở hình ảnh về dương vật, đầu gối, vai, ngực hoặc xương chậu. Mặt lưỡng cực của Janus biểu hiện thông qua tính đối xứng của tác phẩm mà không cần tạc chính xác khuôn mặt. Tổng thể tác phẩm là sự đa dạng, bí ẩn và ham muốn xác thịt trỗi dậy.

Tác phẩm Đóa hoa thần Janus sáng tác năm 1968.

3. Hủy diệt cha tôi (1974): Nghệ thuật là lối thoát cho khổ đau

“Trong nghệ thuật của tôi, tôi là kẻ sát nhân. Trong thế giới của tôi, bạo lực ở khắp mọi nơi.” Như thể để vẽ một bức tranh chân dung tự họa không ngừng nghỉ, Louise Bourgeois liên tục thể hiện những ký ức của mình vào tác phẩm nghệ thuật, thứ đã trở thành công cụ thanh tẩy tâm hồn cho bà. Hủy diệt cha tôi tập trung tất cả sự phẫn uất của nghệ sĩ đối với hình tượng người cha của chính bà, người đã hủy hoại thời thơ ấu của nghệ sĩ. Ở đây hơn bất cứ nơi nào khác, tác phẩm điêu khắc của Louise Bourgeois dường như đóng vai trò là lối thoát cho một loạt các sự kiện đau đớn và ký ức nặng nề, gần như một lễ trừ tà thực sự, một liệu pháp phân tâm học. Ở đó chúng ta lần lượt tìm thấy người cha mà bà ghét, người mẹ mà bà yêu quý, nỗi khao khát ám ảnh hay sức hấp dẫn chói lóa của bà đối với cơ thể con người.

Khung cảnh sắp đặt tác phẩm Hủy diệt cha tôi sáng tác năm 1974.

4. Mẹ (1999): Tính hai mặt từ hình tượng người mẹ

Nhện chắc chắn là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Louise Bourgois. To lớn nhưng còi cọc, vừa đe dọa vừa trấn an, chúng đã có mặt trong tác phẩm của bà từ những năm 90 và luôn gắn liền với hình tượng người mẹ. Giống như những mô hình khác, Mẹ là tác phẩm điêu khắc khổng lồ có thể chứa hàng chục khán giả giữa hai bàn chân của nó, giống như một người mẹ đang bảo vệ con. Gắn liền với công việc dệt thảm của cha mẹ người nghệ sĩ, con nhện mang lại cho cô những kỷ niệm hồi còn trẻ thơ và đồng thời đại diện cho quá trình sáng tạo của bà, bao gồm việc tạo ra, hoàn tác và làm lại. Dù loài nhện mang tính biểu tượng này đem lại sự thoải mái và ấm áp, nó vẫn là một loài động vật có nhiều mâu thuẫn, là nguồn gốc của nỗi ám ảnh và sự ghê tởm. Louise Bourgeois cũng sáng tác những hình ảnh đáng sợ, như thể để tiếp tục công việc thể hiện nỗi sợ hãi của mình.

Khung cảnh trưng bày tác phẩm điêu khắc Mẹ.

5. Tế bào (Lần tiến bước cuối cùng) (2008): Xoa dịu chính mình

Vào cuối đời, người nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm sắp đặt ẩn dụ này như thể để khép lại một nét chủ đạo nhấn mạnh toàn bộ tác phẩm của mình. Tế bào, những chiếc lồng lưới bằng kim loại lớn này chứa nhiều đồ vật hoặc tác phẩm điêu khắc khác nhau, đại diện cho một phần quan trọng trong tác phẩm của Louise Bourgeois trong những năm cuối sự nghiệp của bà. Tên của tác phẩm cho thấy một sự bí ẩn tinh tế hơn, “tế bào” vừa gợi lên hình ảnh nhà tù vừa là đơn vị sinh học nhỏ nhất của các sinh vật sống. Những góc thân mật đóng vai trò như nơi tự truyện, mang đến sự hiểu biết mới về không gian. Qua tác phẩm mà nghệ sĩ đã triển lãm vào năm 2008, chúng ta thấy hai quả cầu bằng gỗ tượng trưng cho cha mẹ bà, những quả cầu thủy tinh màu xanh lam và một giọt nước mắt được đục lỗ bằng kim lơ lửng trong không trung. Cầu thang dẫn lên trời ngụ ý “chuyến đi lên cuối cùng” giống như tác phẩm điêu khắc cuối cùng, tiên lượng rằng nhà điêu khắc qua đời hai năm sau đó.

Khung cảnh sắp đặt tác phẩm Tế bào (Lần tiến bước cuối cùng) năm 2008.

 

Nguồn: 6 œuvres de Louise Bourgeois qui révèlent ses secrets les plus enfouis | numéro

Biên dịch: Kim Ngân

Biên tập: Thu Huyền

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư