Các tác phẩm của Elliot Hundley vẫn thường đem đến cho người xem cảm giác ngồn ngộn choáng ngợp. Tấm toan của anh phủ dày các mảnh cắt của các hình khối, hình thể, các mẩu rao vặt quảng cáo, lớp chồng lớp, vượt ra khỏi phạm vi của bức họa hai chiều để trở thành những điêu khắc ba chiều. Trong “Echo” (một triển lãm được anh đặt tên theo con vẹt của mình), anh đã biến không gian trưng bày thành một tấm toan cỡ lớn, sử dụng các bức họa cũ lẫn mới, điêu khắc, các tác phẩm trên giấy, đèn neon và các đồ vật thuộc bộ sưu tập cá nhân. Sự sắp đặt đa chiều khuyến khích người xem đắm mình vào trong một chuyến du hành nghệ thuật được giám tuyển kỹ lưỡng, cho thấy những khía cạnh khác nhau trong hành trình sáng tác của anh suốt hai mươi năm qua.
Poster triển lãm là hình ảnh con vẹt Echo của anh trên nền “The Plague” (Bệnh dịch, 2016) - một trong số những sáng tác dày đặc nhất của Hundley. Con vẹt không chỉ là cảm hứng mà còn thực sự là tác giả của “Echo” (2022), một điêu khắc làm từ những mảnh vụn bọt biển màu tím, thực hiện công việc “chào đón” khách tham quan triển lãm. Tại studio của Hundley, con vẹt của anh “sáng tác nghệ thuật” bằng cách xé toang tấm bọt biển như thế, và sau đó, biến chúng trở thành tiêu điểm cho trưng bày lần này. Bức tường bọt biển màu tím (được sử dụng như một bảng màu nơi gắn các tác phẩm khác lên) bao quanh không gian phía trước của triển lãm như là một yếu tố cố định của không gian - sự kết hợp giữa các bức họa, các khung tranh và dấu ấn đặc trưng của Hundley - những mảnh vỡ đính lên giữa các tác phẩm, không phải với mục đích trang trí mà mang ý nghĩa như những nối kết.
Thử đoán thời gian ra đời của các tác phẩm có thể là một trò chơi thú vị, khi mà Hundley đã kiên trì đến mức thất thường với những bức tranh trừu tượng lúc gắn đầy vật liệu lúc không trong suốt sự nghiệp của mình. Họa tiết chủ đạo là những hình dạng xoáy tròn, xoắn vặn bằng dây, sơn màu hoặc các dải hình cắt dán. Các tác phẩm mang đậm màu văn chương, thường xuyên viện dẫn từ kịch Hy Lạp hoặc những nhà văn kinh điển như Jean Genet. Một trong những tác phẩm ngoạn mục nhất trong trưng bày lần này là tác phẩm đa mảng dài bốn mươi foot “Balcony” (Ban công, 2021), đặt tên dựa theo vở kịch của Genet viết năm 1956, lấy bối cảnh một cuộc bạo động trong một thành phố không tên. Bầu không khí hỗn loạn của vở kịch đưa vào trong tác phẩm của Hundley như một tập hợp tạp âm chồng chéo lên nhau, gợi ra suy tưởng về mối quan hệ giữa hiện thực và kỳ ảo, cũng như là những ý niệm về bạo loạn, phản động, cuồng loạn và khoái cảm.
Với ngồn ngộn ngần ấy những gì để ngắm, toàn bộ triển lãm cuối cùng thực ra là một tác phẩm cắt dán lớn choán mắt người xem. Lần bước theo sự phát triển không ngừng của Hundley qua từng tác phẩm cũng như mối liên kết giữa các tác phẩm với nhau, người xem tìm thấy sự xúc động hồi hộp của một hành trình khám phá chậm rãi và kỹ lưỡng. Để một con vẹt biết nói theo cùng mình trong studio và trở thành một cộng sự đã gợi ý về khía cạnh nhân văn trong sáng tác nghệ thuật. Bằng cách bẻ vụn và trưng ra toàn bộ quá trình cũng như lịch sử sáng tác của bản thân, Hundley mở ra một không gian cho đối thoại và trao đổi. Có thể coi triển lãm này không phải như một cuộc tấn công thị giác, mà như một quãng nghỉ, qua đó mời gọi những suy tưởng và phản hồi sâu sắc hơn.
Biên dịch: Tâm
Biên tập: Hiếu
https://artillerymag.com/gallery-rounds-elliott-hundley/