Triển lãm "Nàng thơ trong tranh"

Thông tin khóa học đang được cập nhật

TỐNG NGỌC

Họa sĩ Tống Ngọc sinh năm 1984, là thạc sỹ mỹ thuật, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.

Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm “Nàng thơ trong tranh” được thực hiện trong vòng 2 năm trở lại đây. Tranh lụa sáng tác rất kỳ công, mặc dù không phải lúc nào họa sĩ cũng cần tỉ mỉ, có những chỗ vẽ rất nhanh, rất thoáng nhưng khoảng thời gian để hoàn thiện một bức tranh cũng kéo dài trong gần 7 tháng. 

Ngọc bộc bạch về cảm xúc của mình khi quan sát phụ nữ: 

“Tôi thường nghĩ về những nét tính cách điển hình hoặc hòa mình và trong câu chuyện họ và đó là cảm hứng để vẽ những bức tranh này. 

Hồi còn nhỏ Ngọc được bố mẹ “thả rông” và Ngọc được đi nhiều nơi, Ngọc mê thiên nhiên và hay tìm hiểu về rừng cũng như những khu vườn. Cảm giác của Ngọc về  hạnh phúc là tự do, và đó có lẽ là điều ai cũng muốn, chỉ có điều hoàn cảnh và thời gian trói buộc có cho phép họ như vậy hay không. Ngọc thấy với phụ nữ có được niềm vui riêng cũng là có tự do tinh thần rồi.

Ngọc vẽ những mong muốn tự do của chính mình và của cả những phụ nữ xung quanh”

THU HƯƠNG

Họa sĩ Thu Hương có 4 bức tham gia triển lãm “Nàng thơ trong tranh” bao gồm: Tôi, Tôi đang nghĩ, Tôi không biết họ là ai, Bạn tôi và Sự chuyển dịch (Movement).

Thu Hương sinh năm 1979, là thạc sỹ mỹ thuật, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Ngôn ngữ tạo hình trong tranh lụa của Thu Hương có sử dụng nhiều chi tiết mang tính thiết kế, đặc trưng cho phong cách Tân nghệ thuật. Thu Hương vẽ lụa theo lối truyền thống của Việt Nam (hay còn gọi là nhuộm lụa), là một kỹ thuật họa sĩ rửa lụa nhiều lần để tạo được những hiệu ứng tỏ, mờ hoặc tạo ra hòa sắc theo như mong muốn. 

Thu Hương cũng là một người đặc biệt quan tâm đến phụ nữ.  Hương nói rằng” Hầu hết những người phụ nữ Hương quen mặc dù có thể vẻ ngoài dịu dàng nhưng lại tự chủ, mạnh mẽ, không phụ thuộc kinh tế và đó như là động lực cho cuộc sống của Hương. Hương không nhận thấy chênh lệch nhiều giữa sự mạnh mẽ của đàn ông với phụ nữ, nhưng Hương không muốn “gào thét” về bình đẳng giới mà chỉ muốn đưa vào trong tranh những khoảnh khắc đẹp, thơ mộng, thậm chí là yếu đuối của phụ nữ, nhưng sự mạnh mẽ lại toát ra từ bên trong”. 

PHƯƠNG HOA

Họa sĩ Phương Hoa sinh năm 1968. Phương Hoa có 4 năm học trường mỹ thuật Đồng Nai và 5 năm học tại trường ĐH mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tranh lụa của Hoa đã từng tham gia triển lãm “Hội họa sĩ nữ quốc tế”, được sưu tầm bởi Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Tp Hồ Chí Minh, và các nhà sưu tập nước ngoài. 

Hai bức tranh đầu tiên mà Phương Hoa bắt đầu vẽ phụ nữ là vẽ về mẹ và người cô ruột của chị khi hai người đó cận kề cái chết. Ấn tượng mạnh mẽ từ hai bức tranh đó đã khiến họa sĩ Phương Hoa sáng tác rất nhiều tranh về phụ nữ sau này. 

Bức “Nàng dâu trẻ” vẽ một cô gái còn trẻ, còn năng động, còn sôi nổi nhưng đã sớm rơi vào sự gò bó.  Cảm giác trẻ trung trong bức tranh này được thể hiện trong những đường nét cơ thể mềm mại, chiếc quần hồng để lộ một cách vô tư, và những hoa văn “điệu đà” trên mặt lụa. Tuy vậy, toàn bộ cơ thể cô gái lại được đặt trong một bố cục tròn, đầu gối gập lại. Dù nội dung tranh có là gì, cảm thức về cái đẹp là điều nổi bật nhất trong tranh của Phương Hoa.

Trong các bức Xuân Thì, Vy và Bun, và “Con gái tự họa”các kỹ thuật vẽ lụa khô và ướt được kết hợp nhuần nhuyễn. Mỗi bức tranh đều tỏa ra một tình cảm trìu mến dành cho phụ nữ.

ANH HOA

Họa sĩ Anh Hoa sinh năm 1968, là giáo viên môn mỹ thuật cơ bản và thiết kế thời trang. Đó cũng là lý do những cô nàng trong tranh của Anh Hoa có đầy tính thưởng thức.   

VŨ VĂN TỊCH

Bức “Bình yên” nằm trong bộ 4 bức tranh sơn mài vẽ bốn mùa xuân, hạ, thu đông của họa sĩ Văn Tịch. Tuy nhiên 3 bức còn lại đã bị họa sĩ loại bỏ dù quá trình làm việc kéo dài suốt 1 năm, và chỉ còn bức “Bình yên” có thể được đưa ra triển lãm. 

So với các loại tranh khác, tranh sơn mài rất khó thực hiện, có nhiều công đoạn phức tạp và các yếu tố phụ thuộc. Vật liệu chính sử dụng trong tranh sơn mài là các sản phẩm tự nhiên như: vàng, bạc, sơn ta, xà cừ, vỏ trứng, vỏ trai… Văn Tịch nói rằng anh có thể dùng đến hàng trăm loại chất liệu khác nhau trong quá trình làm tranh sơn mài.  Mỗi một lớp màu là một lớp lót bạc hoặc vàng, và công đoạn mài để “moi màu” trong một tạo hình chính là vẽ. 

Bức “Bình Yên” vẽ một cô gái đang còn sức trẻ, đang chờ đợi ở tương lai. Một khúc giao mùa êm ái của tương phản lạnh- ấm, của trầm buồn – hy vọng, của nén lặng tâm tư và rực rỡ. 

TRIỆU LONG

Họa sĩ Triệu Long sinh năm 1981 là giáo viên đại học Sư phạm Nghệ Thuật Trung Ương. Hầu hết các sáng tác của Triệu Long là trên chất liệu sơn dầu, với lối vẽ  là sự hòa trộn của cả Phương Đông lẫn phương Tây. Ta có thể nhận thấy sự ảnh hưởng của Marc Chagall và các họa sĩ Việt Nam thời kỳ Đông Đương trong tạo hình và kỹ thuật, tuy chất riêng lại nằm trong những câu chuyện và những kỷ niệm của người họa sĩ.

Triệu Long vẽ những phụ nữ mà anh đã từng quen phủ lên một màu hoài niệm. Người ta nói thế giới bên ngoài luôn là phản ánh của thế giới bên trong, vì thế những bức tranh này sẽ là cảm nhận về phụ nữ của riêng Triệu Long. 

 

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư