Trong studio ở thành phố Brooklyn nằm bên dưới đường cao tốc Gowanus, họa sĩ Osamu Kobayashi đã lấp đầy những cuốn sổ tay của mình bằng những bản phác thảo hình dạng trừu tượng có diện tích khoảng 5 cm vuông. Những bức vẽ nhỏ nguệch ngoạc bằng than chì này, xếp thành hàng trong những cuốn sổ phác thảo của hoạ sĩ, chính là bản thiết kế cho những bức tranh sơn dầu dày đặc màu sắc được xếp đầy cả studio của hoạ sĩ Kobayashi, bao gồm “Inner, Outer” - Lớp trong, Lớp ngoài (2023), một bức tranh lớn mang phong cách trừu tượng giống như hình số tám. Hoạ sĩ Kobayashi xem xét rất kỹ những bức vẽ phác thảo này, đánh dấu bên cạnh những bức mà mình muốn vẽ. Sau đó, Kobayashi sử dụng những chiếc bút vẽ khổng lồ - một số được tạo ra bằng cách gắn gần 30 chiếc bút vẽ vào một khuôn đúc duy nhất - để biến những ý tưởng trên phác thảo thành tranh trên canvas.
(Hoạ sĩ Osamu Kobayashi. Ảnh: Joshua Nefsky. Hollis Taggart.)
Tính chất năng lượng tự phát của quá trình này được thể hiện rõ ràng trong cuộc triển lãm đang diễn ra của hoạ sĩ có tên “On Apparition” - Ma quỷ hiện hình - tại Hollis Taggart, được trưng bày cho đến ngày 10 tháng 2. Triển lãm lần này đánh dấu một thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của Kobayashi. Sau khi xuất hiện gần đây tại triển lãm nhóm “In Spiritual Light” - Dưới ánh sáng tâm linh - của phòng triển lãm nghệ thuật Mindy Solomon, hoạ sĩ Kobayashi đang chuẩn bị cho các triển lãm cá nhân sắp tới tại phòng triển lãm nghệ thuật Dirimart tại Istanbul vào tháng 4 và phòng triển lãm nghệ thuật Beers London vào tháng 10.
(Bức tranh “Conscious Curve” - Đường cong có ý thức - được hoạ sĩ Osamu Kobayashi vẽ năm 2023. Ảnh: Hollis Taggart)
Chủ đề của triển lãm lần này của Kobayashi, “On Apparition” - Ma quỷ hiện hình - đề cập đến quá trình các hình dạng được nổi lên một cách tự nhiên từ những nét vẽ đơn giản, mà hoạ sĩ coi chúng giống như những linh hồn hiện hình từ thinh không. Kỹ thuật của hoạ sĩ, bao gồm các nét vẽ lớn, uyển chuyển, tạo ra các hình dạng biến chuyển từ trừu tượng đến có hình có hài.
Kobayashi nói: “Giống như là một thứ được tạo ra từ hư không dần trở nên hữu hình. Sự cân bằng này được thể hiện rõ ràng qua các dạng quang phổ trong các bức tranh của ông, vừa mang tính hữu cơ lại vừa mang tính hình học. Chúng có vẻ quen thuộc nhưng lại thách thức sự phân loại cơ bản. Những hình ảnh của Kobayashi, dù liên tưởng đến sự xuất hiện của ma quỷ, lại mang tính vui tươi hơn là ám ảnh đáng sợ.
Cách tiếp cận của Kobayashi là nghiên cứu về sự tương phản. Việc lên kế hoạch cẩn thận cho các bức tranh sơn dầu khổ lớn, màu sắc rực rỡ của hoạ sĩ có liên quan mật thiết với các chuyển động tự phát của Kobayashi. Một số bức tranh (như Mushroom Dance - Điệu nhảy của nấm, 2023, gợi lên đám mây hình nấm màu vàng huỳnh quang) thoạt nhìn có vẻ như được tạo ra ngẫu nhiên, nhưng khi xem xét kỹ hơn, bức tranh tiết lộ quan điểm về phương pháp mà những bức tranh này được tạo ra. Kobayashi chỉ vào góc dưới bên phải của tác phẩm để cho mọi người thấy một phần mà hoạ sĩ đã thêm vào sau nét vẽ ban đầu, mà lại kết hợp liền mạch một cách không tì vết với những đường chuyển động sẵn có của màu sơn. Thật khó để tin rằng việc trộn màu uyển chuyển đó lại được tạo ra từ một quy trình cẩn thận và có chủ ý của hoạ sĩ.
Kobayashi nói: “Kể từ khi bắt đầu cách làm việc này, suy nghĩ của tôi luôn là phải cân bằng giữa hai thái sáng và tối ở nhiều khía cạnh của tác phẩm, đem đến cảm giác trải nghiệm nhiều hơn và hình ảnh hữu hình hơn”. Ví dụ, tác phẩm “Occultation” - Sự huyền bí (2024) - gợi lên sự khởi đầu tự phát một cách rõ ràng trực tiếp hơn các bức tranh khác của Kobayashi. Bức tranh này, sử dụng bảng màu nền tối hơn nhiều, nổi bật với một vệt sơn màu vàng cam sáng rực rỡ - giống như hình dáng đầu chim. Cũng giống như nhiều tác phẩm trong triển lãm, hình ảnh phát ra từ góc tối nhất của bức tranh, thu hút sự chú ý đến từng chi tiết phức tạp của toàn bộ tác phẩm nghệ thuật.
(Tác phẩm “Occultation” - Sự huyền bí (2024). Ảnh: Hollis Taggart)
Kobayashi thường làm việc cùng lúc trên toàn bộ các bức tranh, nghĩa là một thay đổi trong một bức tranh này có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên các bức tranh khác. Bằng cách này, hoạ sĩ có thể tạo ra một loạt tác phẩm nghệ thuật như đang trong một cuộc trò chuyện với nhau, phát triển vừa tuần tự vừa đồng bộ. Một mô típ - hình tròn đại diện cho mặt trăng hoặc con mắt - xuất hiện trong nhiều bức tranh, bao gồm các bức Poppy, Yurei và Moon Gazer II (tất cả đều năm 2023). Hoạ sĩ Kobayashi chia sẻ: “Những hình thức này, tôi đang nghĩ giống như nghệ thuật có tuần tự - mỗi bức tranh là một bước phát triển so với bức tranh khác”. “Có thứ gì đó quấn quanh, nhưng nó giống như một vòng đời - bạn thấy dạng thức này bắt đầu xuất hiện và sau đó có thể trở thành một hình người, sau đó là một cái cây, rồi tiêu tan,” vị hoạ sĩ nói thêm.
Một số tác phẩm, chẳng hạn như “Telepathy” - Thần giao cách cảm (2024), đặc biệt siêu việt khi nhìn cận cảnh - đặc biệt là khi ánh nắng trực tiếp lọt qua cửa sổ studio của Kobayashi, tạo ra chiều sâu đáng chú ý. Trên cả bốn cạnh của tấm canvas tỏa ra những gam màu rực rỡ, quyến rũ. Sự bùng nổ của màu sắc gợi lên cảm giác về một sự hiện hình đang dần được thành hình thành hài, như thể bức tranh là cửa ngõ cho các hình thức thanh tao xuất hiện và lùi vào khung cảnh và kết cấu của bức tranh.
(Khung cảnh triển lãm “On Apparition” - Ma quỷ hiện hình - của hoạ sĩ Osamu Kobayashi, tại phòng trưng bày nghệ thuật Hollis Taggart. Ảnh: Dan Bradica. Hollis Taggart.)
Những bức tranh của Kobayashi kéo người xem vào một thế giới nơi sự phù du trở nên hữu hình - gợi nhớ đến một bóng ma. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các âm hồn, những lần hiện ra này không phải là biểu hiện của sự sợ hãi mà gợi lên sự sống và sự sáng tạo.
Biên dịch: Huyền Trịnh