Trong nhiều thiên niên kỷ, tranh lụa đã góp phần định hình một nền mỹ thuật phong phú của Trung Quốc. Dòng tranh hết sức tinh tế này là sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng nhất của văn hóa Trung Quốc - hội họa tinh xảo và kỹ thuật dệt vải khéo léo. Cũng chính vì vậy mà tranh lụa từng được coi là một loại hàng hóa thủ công đặc biệt quan trọng trong lịch sử. Bên cạnh vai trò là một di sản văn hóa, tranh lụa còn được đánh giá cao vì tính thẩm mỹ của nó. Từ thời cổ đại, các nghệ sĩ đã không ngừng thử nghiệm, cải tiến và áp dụng nhiều kỹ thuật phức tạp, tinh tế trên dòng tranh lụa truyền thống. Bài viết này sẽ tập trung phác họa một lịch sử của loại hình nghệ thuật độc đáo này, từ điểm khởi đầu khiêm tốn cách đây nhiều thế kỷ cho đến thời kỳ hiện đại.
Tranh lụa là gì?
Tranh lụa là dòng tranh vẽ trên loại vải lụa tơ tằm cao cấp. Sau khi con tằm kết kén, người ta đem luộc phần vỏ kén đó lên rồi rút tơ tằm từ trong kén ra để dệt thành vải.
Trong lịch sử, các họa sư sẽ sử dụng đá để mài phẳng bề mặt của lụa. Sau khi mặt lụa đã phẳng, mịn, họa sĩ sẽ bắt đầu vẽ lớp màu lót cho tranh. Lớp màu này thường làm từ hỗn hợp nước và bùn đất. Tiếp theo đó mới là bước vẽ nét và tô màu cho tranh. Các họa sĩ vẽ tranh lụa thường sử dụng hai loại mực chủ yếu: màu khoáng tự nhiên và mực Tàu làm từ bồ hóng và chất kết dính từ xương và da động vật. Loại mực Tàu này cũng là loại mực được sử dụng cho thư pháp - một trong những loại hình nghệ thuật hội họa quan trọng nhất của Trung Quốc và là hiện thân sớm nhất của tranh lụa.
Lịch sử tranh lụa
Những bằng chứng khảo cổ tìm thấy trong địa lăng của một ngôi mộ có từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên đã khẳng định nghề sản xuất tơ lụa ở Trung Quốc xuất hiện từ rất sớm. Tọa lạc tại Gia Hồ, một khu vực dân cư thời kỳ Đồ đá mới gần sông Hoàng Hà, di chỉ khảo cổ này cũng là nguồn cung cấp hiện vật phong phú kể từ khi được phát hiện lại vào năm 1962. Ngoài các mẫu sợi tơ tằm, một loại protein, được tìm thấy bên trong lăng mộ (và có thể là hài cốt của quần áo dùng để mặc cho người chết), tại di chỉ này, người ta đã tìm ra rất nhiều hiện vật có niên đại xa xưa: “nhạc cụ sớm nhất (sáo xương), rượu lên men sớm nhất bằng hỗn hợp gồm gạo, mật ong và trái cây, dấu vết canh tác lúa sớm nhất ở lưu vực sông Dương Tử, và thậm chí cả những ký tự được coi là chữ tượng hình sớm nhất của Trung Quốc”.
Kể từ triều đại nhà Thương (khoảng 1600-1100 BCE), thư pháp đã là một khía cạnh quan trọng của văn hóa Trung Quốc. Chỉ với bút lông và mực Tàu, thư pháp làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế của các thể chữ viết đa dạng, từ chi tiết, tỉ mỉ cho đến phóng khoáng, mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình của loại hình nghệ thuật này là một loạt bản thảo này có từ thời nhà Hán (206 TCN-220 CN) ghi lại thông tin quân sự, y tế và thiên văn được tìm thấy ở Mã Vương Đôi, một địa điểm khảo cổ ở Trường Sa.
Thư pháp ban đầu được viết trên lụa (và đôi khi là tre). Thư pháp trên giấy chỉ xuất hiện sau khi loại vật liệu mới và rẻ hơn này được phát minh vào thế kỷ thứ nhất.
Xem thêm phần 2 tại đây
Biên dịch: Minh Tâm
Biên tập: Thu Huyền