Bức tranh của Gustav Klimt từng cho là đã thất lạc nay xuất hiện trên sàn đấu giá

Bức tranh của Gustav Klimt từng cho là đã thất lạc nay xuất hiện trên sàn đấu giá

Bởi Hà Trang 05/02/2024

Một bức tranh của cố họa sĩ người Áo Gustav Klimt xuất hiện trở lại trong một bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân và sẽ chào bán vào tháng 4 tới đây, nhà đấu giá nghệ thuật Kinsky ở Vienna cho biết hôm thứ Năm. Tác phẩm "Bildnis Fraeulein Lieser" ("Chân dung quý cô Lieser") được một gia đình nhà công nghiệp Do Thái giàu có ủy quyền và đặt Klimt vẽ vào năm 1917 ngay trước khi ông qua đời.

Bức tranh trong tình trạng bảo quản tốt, vẽ một người phụ nữ tóc đen, lần đầu tiên được ra mắt công chúng ở Vienna vào thứ Năm. Tác phẩm sẽ bán đấu giá vào ngày 24 tháng 4 thay mặt cho các chủ sở hữu người Áo hiện tại và những người kế thừa hợp pháp của gia đình Lieser dựa trên một thỏa thuận tuân theo Nguyên tắc Washington. Thỏa thuận quốc tế năm 1998 đặt ra thủ tục trả lại tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã đánh cắp. Tác phẩm nghệ thuật này được nhìn thấy lần cuối tại một cuộc triển lãm tranh ở Vienna vào năm 1925, bằng chứng duy nhất là một bức ảnh đen trắng trước đây ghi lại về sự tồn tại của bức tranh. Bức ảnh xác định chủ sở hữu cuối cùng của tác phẩm là thành viên gia đình nhà Lieser, sống tại "Argentinierstrasse 20" của Vienna. Henriette Lieser, người vẫn ở Vienna bất chấp sự cai trị của Đức Quốc xã, bị trục xuất năm 1942 và bị sát hại ở Auschwitz năm 1943. Bức tranh chân dung xuất hiện trở lại khi chủ sở hữu hiện tại tìm kiếm lời khuyên pháp lý từ luật sư và chuyên gia luật nghệ thuật Ernst Ploil trước khi thừa kế nó.

Truy tìm nguồn gốc tác phẩm

Ploil nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng mặc dù đã nghiên cứu sâu rộng nhưng vẫn chưa rõ thế nào mà gia đình chủ sở hữu hiện tại lại có được tác phẩm nghệ thuật này từ những năm 1960.

Ông nói thêm: “Chúng ta có một khoảng cách khá dài giữa những năm 1925 và những năm 1960”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy tác phẩm bị cướp, đánh cắp hay tịch thu bất hợp pháp trước hoặc trong Thế chiến thứ hai. Mặt sau của bức tranh "hoàn toàn nguyên vẹn" và "không tem, không nhãn dán, không gì cả”. “Không có dấu hiệu cho thấy sự tịch thu bất hợp pháp nào trong thời kỳ Đức Quốc xã, tức là không có những con tem thông thường từ Gestapo hay một đơn vị vận chuyển lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật bị cướp phá”.

Con cháu của gia đình Lieser vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào, nhưng một số người trong số họ đã tới Vienna để xem bức tranh. Những bức chân dung của Klimt hiếm khi xuất hiện trên thị trường đại chúng.

Bức tranh "Bildnis Fraeulein Lieser" ("Chân dung quý cô Lieser") - Gustav Klimt trong buổi họp báo của Nhà đấu giá nghệ thuật Kinsky ở Vienna, Áo, ngày 25 tháng 1 năm 2024. (Ảnh AFP)

Nhà đấu giá Kinsky ước tính giá trị của tác phẩm vào khoảng 33 triệu - 55 triệu đô la. Xem xét các cuộc đấu giá gần đây của Klimt, số tiền cao hơn là có thể hình dung được. Tháng 6 năm ngoái, bức tranh "Dame mit Faecher" ("Quý bà cầm quạt") của Klimt bán với giá 94,3 triệu đô la ở London, lập kỷ lục đấu giá nghệ thuật châu Âu mới vào thời điểm đó.

Kỷ lục đấu giá trước đây cho một tác phẩm nghệ thuật bán ở châu Âu là bức “Người Đàn Ông Đi Bộ I” của Alberto Giacometti, với giá 65 triệu bảng Anh (82,68 triệu đô la) vào tháng 2 năm 2010.

 

Biên dịch: Vũ

Biên tập: Huyền

Nguồn: Painting by Gustav Klimt believed lost set for auction | Daily Sabah 

Đăng ký làm gia sư

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký thuê gia sư