Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh sử dụng chất liệu sợi dệt để tạo thành một tác phẩm điêu khắc mềm, một sắp đặt với tên “Không gian bên trong”.
Phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam những ngày này được biến hóa thành một không gian hoàn toàn khác biệt. Nghệ sĩ Nguyễn Duy Mạnh sử dụng rất nhiều dây vải, cùng các hình thể để tạo thành tác phẩm “Không gian bên trong”.
Một trích đoạn tác phẩm “Không gian bên trong”
Ở đó, các vật thể được tạo nên bằng cách cuộn sợi vải thành nhiều hình khối khác nhau. Nhiều sợi dây vải dài khác được chăng mắc, đan cài vừa để treo các hình khối, vừa tạo ra vô số không gian với đủ hình khối, kích cỡ.
Nguyễn Duy Mạnh (sinh năm 1984) là một “anh giáo làng” thực thụ. Anh theo học sư phạm, rồi dạy mỹ thuật tại một trường THCS ở Vĩnh Phúc, nhưng hoạt động như một nghệ sĩ độc lập trong mười năm qua.
Một trích đoạn tác phẩm “Không gian bên trong”
Làng quê của Duy Mạnh có nghề phân loại sợi phế liệu từ các công ty dệt may để tái sử dụng. Trong gần ba năm qua, nghệ sĩ gom nhặt sợi vải, phôi thai ý tưởng về một tác phẩm điêu khắc mềm - một chất liệu ít được sử dụng trong điêu khắc.
Nghệ sĩ Nguyễn Duy Mạnh cho biết tác phẩm là hành trình khám phá không gian bên trong của chính tác giả.
Anh nói: “Bên trong là cái nằm sau hình ảnh thị giác, mang bản chất của cái nhìn. Những diễn biến trong nó tạo nên chiều kích cho không gian và giúp không gian đó có một đời sống. Khám phá thế giới ấy là ta đang chiêm nghiệm về cuộc sống về thân phận con người trong cuộc sống”.
Chất liệu sợi cho phép nghệ sĩ dễ dàng xâm nhập không gian. Thêm nữa, khi tạo nên tác phẩm bằng hành động cuốn, thắt, buộc, Nguyễn Duy Mạnh phải dùng lực để kìm giữ một lực đối nghịch. Người nghệ sĩ cảm nhận được sự chuyển đổi cảm xúc của mình vào các sợi, đồng thời nhận lại những lực đối trọng.
“Sức căng. Đó là cảm giác gần nhất về bên trong của tôi. Dường như bên trong tôi có một sức căng mà tôi muốn thoát ra, muốn tìm kiếm một điều mới” - Nguyễn Duy Mạnh nói.
Nhưng “Không gian bên trong” đâu chỉ dừng lại khám phá nội tại con người nghệ sĩ. Dường như tự thân tác phẩm nói lên được nhiều điều hơn so với những diễn giải của người làm ra nó.
Một trích đoạn tác phẩm “Không gian bên trong”
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhận xét cả một quá trình sáng tạo của Nguyễn Duy Mạnh: “Anh sử dụng các vật liệu phế thải, tạo nên những cấu trúc mở, mở cả phía bên trong lẫn bên ngoài. Anh tạo ra cấu tạo rỗng để đi đến nhận thức nào đấy ở không gian bên trong bên trong một con người, một câu chuyện, một xã hội”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông cho rằng, với “Không gian bên trong”, Nguyễn Duy Mạnh làm cuộc “đại phẫu” với tham vọng khám phá “phía bên trong” theo cả nghĩa sinh học lẫn sự phức tạp theo cách thức tạo hình của không gian vật lý. Nhà nghiên cứu dự cảm Nguyễn Duy Mạnh sẽ còn đi xa, còn “sống chết” với chất liệu sợi vải tổng hợp.
Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh - người thành công với các chất liệu rắn như kim loại, đá, gỗ - nhận định:
“Ở triển lãm này, Mạnh khá thành công trong việc tổ chức không gian. Các hình thể của Mạnh được khẳng định qua các triển lãm trước. Còn ở đây Mạnh làm chủ được không gian, dọn đường cho những bước đi mới của anh ấy”.
Triển lãm “Không gian bên trong” của họa sĩ Nguyễn Duy Mạnh diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Nguyễn Thái Học, Hà Nội), kéo dài tới hết ngày 23-7.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bien-soi-phe-lieu-thanh-tac-pham-nghe-thuat-1139557.htm